Giữ gìn chiêng, chóe quý

Tham gia kháng chiến từ tuổi thiếu niên, già làng Y Xuyên làm nhiệm vụ dẫn đường cho cán bộ, rồi trực tiếp cầm súng chiến đấu cho đến ngày giải phóng Đức Lập, mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên. Già Y Xuyên là một trong 5 lão thành cách mạng, nhân chứng sống của lịch sử xã Nâm Nung.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, già Y Xuyên trở về địa phương, công tác ở nhiều vị trí của xã, cùng chính quyền và Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, đặc biệt là bảo tồn giá trị truyền thống của đồng bào Mnông. Đau đáu nỗi lo mai một truyền thống, nghỉ hưu về với bon làng, già tích cực vận động bà con giữ gìn truyền thống dân tộc, truyền dạy cho thế hệ trẻ cách làm cây nêu, đan gùi, ủ rượu cần, hát sử thi và đánh chiêng. Tấm lòng và nhiệt huyết của già được bà con tin yêu, quý trọng, bầu chọn làm già làng, người có uy tín suốt nhiều năm qua.

Dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà gỗ, nơi lưu giữ những chiếc chóe cổ, vật dụng sinh hoạt truyền thống của đồng bào Mnông, già Y Xuyên bảo “Ở đây từng có thời kỳ bà con bán đi chiêng, chóe quý và các hiện vật văn hóa khác. Tất cả các hiện vật này đều do già cất công sưu tầm về. Mong muốn của già là giữ gìn những giá trị văn truyền thống tốt đẹp cho con cháu đời sau”.

Già Y Xuyên lấy khăn lau chiếc chóe Jang Su có tuổi đời hàng trăm năm và cho biết đối với đồng bào Mnông, chóe Jang su được xem là một trong những vật dụng góp phần làm nên thành công cho các lễ cúng. "Đây là cặp chóe duy nhất của cha mẹ để lại, mà gia đình già còn giữ được sau hai lần hỏa hoạn thiêu rụi nhà vào năm 1991 và 2006. Trong các trận cháy, mọi hiện vật bị thiêu rụi, hư hỏng, chỉ có cặp chóe Jang Su vẫn được bảo toàn nguyên vẹn", già Y Xuyên chia sẻ.

Bên cạnh cặp chóe Jang Su, chiếc chóe lớn màu nâu có tên chóe Hlung được già Y Xuyên cất kín đáo. Chóe Hlung được xem là tài sản quý giá trong gia đình của người Mnông xưa và có vai trò rất quan trọng trong các lễ cúng. Già Y Xuyên cho biết trước đây, gia đình già cũng có những chiếc chóe quý này, nhưng chiến tranh, nhà cháy, chiêng chóe hư hỏng, mất đi. Năm 2020, già nghe thông tin có người ở xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) rao bán chiếc chóe cổ này, già vay mượn tiền tìm đến tận nơi mua với giá 10 triệu đồng mang về cất giữ như một tài sản quý của gia đình.

Ngoài 2 chiếc chóe cổ, già Y Xuyên còn có hơn chục chiếc chóe, hàng chục chiếc gùi mây, cối gỗ và các dụng cụ sản xuất truyền thống của đồng bào Mnông. Đặc biệt bộ chiêng cổ có tên Jăm Pul già cất giữ cẩn thận.

Theo già Y Xuyên, trước kia, gia đình nào ở đây cũng có một bộ chiêng và xem đó là tài sản quý. Để có 1 bộ chiêng, gia đình phải đổi 1 - 2 con bò. Nhưng cơ chế thị trường thay đổi, bà con mãi lo làm ăn kinh tế, cồng chiêng dần bị quên lãng. Không ít người bán đi bộ chiêng đã từng là tài sản quý của gia đình, người biết đánh chiêng cũng hiếm dần, thế hệ trẻ không mấy thiết tha văn hóa truyền thống. Đó là điều khiến già luôn trăn trở.

Truyền nhiệt huyết khơi dậy tình yêu văn hóa

Đứng trước thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, già Y Xuyên miệt mài đến từng nhà, vận động bà con giữ gìn những vốn quý cha ông để lại. Già mời gọi thanh niên tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng, dựng cây nêu do già tổ chức. Nhiệt huyết của già đã truyền lửa cho thế hệ trẻ, vực dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống tưởng chừng như mất đi.

Chỉ tay ra phía Nhà văn hóa cộng đồng của bon, già Y Xuyên nói, ở đó có cây nêu do chính già thiết kế và cùng với đàn ông trong bon dựng lên. Già bảo trong các lễ hội, lễ cúng quan trọng của đồng bào Mnông như: Lễ Tăm Blang M’prang Bon (Lễ trồng cây pơlang rào bon), Lễ Tăm N’gap Bon (Lễ sum họp cộng đồng) và Lễ cúng mừng lúa mới… không thể thiếu cây nêu.

Mỗi khi bon có lễ hội, lễ cúng già lại huy động thanh niên, trai tráng trong bon đến nhà văn hóa cộng đồng để già giao việc và cùng làm cây nêu. Qua đó, nhiều thanh niên trong bon hiểu được ý nghĩa cũng như cách làm cây nêu của dân tộc mình.

Bên cạnh việc truyền dạy dựng cây nêu, già còn tranh thủ thời gian mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, hát sử thi, đan gùi, làm rượu cần... cho thế hệ trẻ trong các bon. Bởi già luôn mong muốn, thông qua các lớp truyền dạy sẽ nhắc thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, truyền thống của cha ông, dân tộc để lại. Các lớp học của già thường được tổ chức vào tháng 5 - 6 hàng năm, khi đã giãn công việc nương rẫy. Nhờ đó, bon Ja Ráh trở thành điểm sáng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Toàn bon hiện có 10 bộ cồng chiêng, đến nay có 30-40 người ở nhiều độ tuổi biết đánh cồng chiêng, đan gùi, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần truyền thống.

“Điều làm già cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là sau một thời gian mở các lớp truyền dạy đã có khoảng 30-40 người ở nhiều độ tuổi khác nhau biết đánh cồng chiêng và tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện”, già Y Xuyên tâm sự.

Không những khơi dậy tình yêu văn hóa trong bon của mình, già Y Xuyên còn thường xuyên đến các bon đồng bào Mnông trong xã tuyên truyền, động viên người dân cùng nhau giữ gìn những bộ cồng chiêng, bảo tồn di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống.

Một điều tự hào là cả 3 người con của già đều thấm nhuần tình yêu văn hóa. Con trai đánh thành thạo nhiều bài chiêng, diễu tấu nhạc cụ dân tộc; con gái hát dân ca, dệt thổ cẩm truyền thống. Các con của già đều là thành viên của đội văn nghệ của bon, đi biểu diễn tại nhiều sự kiện ở cấp huyện, cấp tỉnh. Với những đóng góp ấy, năm 2015, già Y Xuyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Nguồn: baodantoc.vn