Tạo dựng quỹ cho câu lạc bộ luôn là vấn đề khó đối với Hội Người cao tuổi các địa phương, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, với cách làm sáng tạo, mỗi Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tại tỉnh Phú Thọ hiện đều có nguồn quỹ hơn 100 triệu đồng, chủ yếu do hội viên đóp góp. Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Văn Xuất, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết do địa phương có cách làm “riêng” .

Phóng viên: Thưa ông! Được biết Hội Người cao tuổi tỉnh Phú Thọ rất quan tâm đến việc tạo nguồn quỹ cho các Câu lạc bộ (CLB), nhất là mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Xin ông chia sẻ đôi điều về việc tạo dựng quỹ này?

Ông Xuất: Cách làm của Phú Thọ khác. Chúng tôi quan niệm xây dựng quỹ cho CLB là phải huy động nguồn lực từ sự đóng góp của các hội viên là chính. Mỗi CLB phải có ít nhất 100 triệu. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CLB là cho các thành viên vay để xóa đói giảm nghèo bền vững. Mấy chục con người mà nếu vốn ít quá, chỉ vài chục triệu thì không giải quyết được vấn đề, nhất thiết quỹ phải từ 100 triệu trở lên.

Phóng viên: Thực tế cho thấy ở các vùng quê, số các cụ có lương hưu không nhiều. Khi vận động hội viên đóng góp như vậy, Hội gặp khó khăn gì?

Ông Xuất: Ban đầu cũng có khó khăn nhưng tôi cho rằng không phải do nghèo. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn. Nếu ngay một lúc mà bảo người nông dân đóng góp để có 100 triệu cho quỹ của CLB là khó. Cho nên, chúng tôi làm theo lộ trình. Ví dụ, ở một thôn thuần nông không có nghề phụ, bằng cách này các cụ đã đóng góp được 105 triệu cho quỹ của CLB. Cụ thể, một gia đình với điều kiện đời sống bình thường mà bảo họ đóng góp 500 nghìn đồng mỗi năm, 3 năm là 1,5 triệu họ hoàn toàn làm được. Mỗi CLB thường có khoảng 70 hội viên thì sẽ đạt được mức quỹ đặt ra. Như thế ta thấy vấn đề là chúng ta làm tư tưởng như thế nào. Chúng tôi tuyên truyền cho các hội viên là tiền của họ không mất đi đâu. Họ gửi vào đấy, khi nào họ không tham gia nữa thì CLB gửi lại cho họ tiền “gốc”. CLB chỉ xin phần lãi để chi cho các hoạt động như văn hóa văn nghệ, thể thao, chăm sóc sức khỏe, và một phần quỹ chi cho hội viên khó khăn vay….

Phóng viên: Ở một số nơi, để khích lệ các cụ đóng góp, Hội Người cao tuổi còn hỗ trợ thêm cho những CLB vận động được nhiều. Thành ra, nguồn quỹ đã cao lại càng thêm rồi rào. Còn ở Phú Thọ thì sao?

Ông Xuất: Chúng tôi chi khích lệ 10 triệu đồng cho CLB nào huy động được 100 triệu tiền quỹ. Ngoài ra, ở mỗi CLB, chúng tôi còn trang bị cho các cụ máy đo huyết áp, cân trọng lượng cơ thể, loa hát karaoke…Mỗi khi các cụ tổ chức họp hành, tổng kết hay sinh hoạt thì các cụ có thể tự kiểm tra sức khỏe, cân nặng và vui văn nghệ trước giờ họp hành, sinh hoạt…

Phóng viên: Với nguồn kinh phí hội viên tự đóng góp như vậy, ông thấy hoạt động của CLB, đặc biệt là trong việc chi tiêu có gì khác biệt?

Ông Xuất: Khi đồng tiền họ bỏ ra và tình nguyện tham gia CLB thì hoạt động khác hoàn toàn với chuyện là tiền từ nơi khác đưa đến cho họ hoạt động. Cũng giống như tiền của chúng ta, chúng ta chi nó khác; tiền “chùa” chúng ta chi có khi nó khác. Hơn nữa, ngay từ khi phát triển mô hình CLB này, chúng tôi xác định không coi trọng số lượng mà đặt “chất lượng hoạt động” của CLB lên hàng đầu, có đáp ứng được các tiêu chí đề ra không và có bền vững không. Cũng vì lẽ đó, mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau theo quy định chung thì có 8 mảng hoạt động nhưng Phú Thọ, chúng tôi tập trung vào 4 mảng chính gồm chăm sóc sức khỏe; văn hóa văn nghệ; cho hội viên vay vốn; và tình nguyện viên giúp người cô đơn, khó khăn

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!