Ngôi nhà nhỏ 2 gian bình dị tại thôn Nà Phạ 1, là nơi cụ Lý Thị Chương vẫn ngày ngày miệt mài tạo ra những sản phẩm dệt thủ công truyền thống của người Tày.
Nay, đã bước sang tuổi 83, nhưng những ngón tay của cụ vẫn thực hiện các thao tác một cách thuần thục. Cụ Chương chia sẻ: “Từ năm 10 tuổi, tôi đã được mẹ truyền cho nghề dệt vải. Trong nhà có mấy chị em, nhưng mẹ chỉ truyền được cho tôi. Chiếc khung cửi này cũng đã gắn bó với tôi hơn 70 năm rồi. Làm quen tay đến độ già rồi mà cũng không cần đến kính”.
Cụ Chương cho biết thêm, cụ có thể dệt quần, áo của người Tày, Dao nhưng sản phẩm chính cụ đang làm như hiện nay là khăn của chị em phụ nữ Sán Chỉ. Giống như nhiều dân tộc khác, chiếc khăn đội đầu, vấn tóc là vật không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của chị em phụ nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu. Mọi phụ nữ đều dùng khăn khi ở nhà cũng như lúc đi rừng. Mỗi chiếc khăn có chiều dài 1,2m, rộng 20cm, hai đầu có các tua chỉ và đều có chung một màu là màu xanh cánh chả. Đặc biệt hơn cả, là cụ dệt theo cách truyền thống của người Tày, nhưng vẫn được các chị em dân tộc khác trên địa bàn ưa chuộng, đặt mua.
Để chứng minh sự khác biệt trong cách dệt, cụ Chương với một cái khăn và chỉ ra những hoa văn quả trám nổi hàng ngang khăn, giải thích cặn kẽ về quá trình tạo ra họa tiết không hề đơn giản. Mọi họa tiết đều phải có cách dệt khác nhau, chính điều đó tạo nên các giá trị riêng biệt giữa sản phẩm thủ công truyền thống với các sản phẩm bán tràn lan trên thị trường.
Trong đó, việc khó nhất được cụ nhắc đến là việc căng sợi, tức là phải căng cho khéo 175 sợi chỉ dài khoảng 15m sao cho không rối. Sau đó, các sợi chỉ này được cuộn vào một trục gỗ ở đầu khung cửi. Khi dệt đến đâu, người dệt điều chỉnh để trục quay, nhả sợi ra.
Mỗi cái khăn cụ Chương bán 150.000 đồng, mỗi ngày cụ dệt được 3 khăn. Còn sức khỏe và say nghề nên cụ Chương không chỉ dệt ngày mà còn dệt cả buổi tối. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lài Thị Tâm (cháu gái bà Chương) thôn Chang Nà, xã Tình Húc cho biết: “Hiện, tôi đang được bà nội truyền dạy lại nghề dệt. Tuy nhiên, vì thời gian rảnh rỗi ít nên cũng chưa học được mấy, chủ yếu là một số bước cơ bản vì dệt thủ công truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ”.
Thực tế cho thấy, hiện nay tại nhiều địa phương, nghề dệt thủ công truyền thống không còn duy trì. Nghề dệt truyền thống của người Tày tại Bình Liêu, chỉ còn duy nhất cụ Lý Thị Chương giữ nghề. Chính vì thế, điều cụ Chương luôn trăn trở và mong ước nhất hiện nay là, có được nhiều người trẻ theo học để cụ truyền dạy lại nghề./.
(Theo Báo Dân tộc.VN)