Sẽ cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng
Cụ ông Trần Ngọc Du sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quế Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) kiên trung, anh hùng. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu tham gia thiếu niên du kích tại địa phương và hoạt động cho đến khi bị địch bắt giam năm 1964.
"Năm 1964, khi phong trào sinh viên diễn ra mạnh mẽ nhất, tôi bị bắt giam. Trong suốt những năm tháng gian khổ khi bị giam từ nhà lao Quế Sơn đến nhà lao Hội An, rồi bị đày ra tỉnh Thừa Thiên-Huế, tôi chưa bao giờ chịu thua", cụ Du nói.
Sau chiến thắng Tết Mậu Thân năm 1968, nhà lao Thừa Phủ (tỉnh Thừa Thiên-Huế) được giải phóng, ông Trần Ngọc Du cũng thoát khỏi cảnh áp bức, tù đày và tiếp tục hoạt động cách mạng tại đây cho đến năm 1975.
Đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Trần Ngọc Du trở về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, đóng góp cho công cuộc xây dựng, kiến thiết sau chiến tranh.
Nhận được sự chỉ đạo, ủy thác của cấp trên, ông đứng ra vận động, kêu gọi để thành lập một xí nghiệp sản xuất gạch ngay tại quê nhà huyện Quế Sơn, với tên gọi Nam Sơn.
Chỉ sau 3 tháng thành lập, xí nghiệp đã cho ra đời hàng triệu viên gạch chất lượng tốt, phục vụ công việc xây dựng, tái thiết các công trình cho chính quyền cách mạng lúc bấy giờ.
Năm 1991, ông Trần Ngọc Du nghỉ hưu ở Xí nghiệp gạch ngói Nam Sơn (Quế Sơn). Sau nhiều năm gắn bó với vai trò là một người lãnh đạo gương mẫu, tận tâm với đồng nghiệp và người lao động. Từ đây, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quế Sơn cho đến năm 2018.
Hiện nay, dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm", cụ ông Trần Ngọc Du vẫn luôn tâm huyết, đau đáu với sự nghiệp khuyến học - khuyến tài, công tác từ thiện.
Nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương về sự nghiệp nhân đạo, từ thiện của Trung ương và tỉnh nhưng cụ Trần Ngọc Du luôn khiêm nhường khi ai đó hỏi về thành tích.
Cụ thổ lộ rằng không muốn nói quá nhiều những gì mình đã làm, chỉ mong sao thực hiện cho được việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", góp phần đem lại lợi ích cho xã hội, nhất là đối với sự nghiệp "trồng người".
"Cánh chim đầu đàn" trong công tác thiện nguyện, khuyến học
Gần 30 năm trong công tác khuyến học, từ sáng kiến, tham mưu của cụ Trần Ngọc Du với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quế Sơn, công tác khuyến học, khuyến tài luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, các cấp Hội cơ sở thực hiện rất nghiêm túc, đạt hiệu quả cao.
Nhiều kết quả đã được minh chứng, như cụ đã vận động Tổ chức Đông Tây hội ngộ tại Đà Nẵng tài trợ chương trình cấp học bổng lâu dài cho học sinh thuộc diện nghèo vượt khó hiếu học của địa phương.
Tính từ năm 2004 đến 2021, từ Chương trình do cụ vận động này đã giúp trên 2.500 suất học bổng dành cho học sinh khó khăn với số tiền tài trợ trên 4 tỷ đồng cùng 271 chiếc xe đạp, tổng giá trị trên 200 triệu đồng. Mới đây, cụ còn trực tiếp gọi điện thoại liên hệ một tập đoàn để nhờ hỗ trợ xây dựng một trường mẫu giáo gần 2 tỷ đồng.
Cũng nhờ tài ngoại giao của cụ, Hội hữu nghị Việt - Nhật đã gửi tặng cho các học sinh nghèo trên địa bàn Quế Sơn 1.211 chiếc xe đạp với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các em đi học xa nhà thuận tiện đến trường.
Không dừng lại ở đó, cụ Du còn nối vòng tay, vận động các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước, mỗi năm giúp hàng nghìn cặp sách, áo quần, trang phục cho trẻ em nghèo, khuyết tật tỉnh Quảng Nam vượt khó hiếu học với trị giá hàng trăm triệu đồng.
Trong suốt quãng thời gian làm công tác Hội, cụ đã năng động hướng dẫn lập hồ sơ và tạo mọi điều kiện để học sinh, sinh viên ở địa phương đi du học tại Nhật Bản.
Đến thời điểm cuối năm 2014, một số em đã hoàn thành chương trình học tập ở Nhật (từ 3-5 năm) trở về nước, được địa phương tiếp nhận vào các công sở quê nhà làm việc ổn định, đem tài năng trí tuệ đóng góp cho quê hương, phát triển trên các lĩnh vực.
Ngoài ra, cụ Du còn thực hiện vận động, quyên góp trao tặng hàng ngàn chiếc xe lăn cho người khuyết tật trong và ngoài địa phương.
"Ước nguyện lớn nhất của tôi là có sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho việc thiện vì ngoài kia còn nhiều người nghèo đang cần mình. Niềm vui lớn của tôi là ngày nào còn được sống thì cố gắng làm gì tốt đẹp cho đời. Bây giờ tuổi cao không còn bon bon trên xe máy như ngày xưa, tôi nhờ con cháu chở đến tận nơi để hỗ trợ", cụ Trần Ngọc Du bộc bạch./.
(Theo dantri.com)