Những bức ảnh đã phai màu thời gian, những trang thư đã sờn cũ hay những câu chuyện đầy thăng trầm của một thời tuổi trẻ đều được ghi lại trong cuốn hồi ký “Chân cứng đá mềm” của bà Vũ Thị Tươi ở Hà Nội. Đây là món quà mà các con, cháu bà đã dày công chuẩn bị khi bà bước sang tuổi 80. “Tôi rất vui và xúc động khi được con, cháu tặng cuốn hồi ký này. Cuốn hồi ký đã giúp tôi ghi lại quãng thời gian tuy khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy tự hào. Đây là câu chuyện mà tôi luôn mong muốn được chia sẻ cùng con cháu để con cháu có thể lưu giữ những kur niệm đẹp của ông bà, cha mẹ…”- Bà Tươi chia sẻ.

Được chứng kiến và đã từng nghe mẹ kể về cuộc sống khó khăn của gia đình thời bao cấp nên khi biết đến dịch vụ viết hồi kỳ cho người thân của phần mềm HASU (Nền tảng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi), chị Nguyễn Thu Thủy (con gái bà Tươi) đã đăng ký ngay. Qua cuốn hồi ký của mẹ, chị Thủy mong muốn những ký ức đẹp về người mẹ, người bà trong gia đình sẽ được lưu giữ mãi về sau. Đọc cuốn hồi ký của mẹ, chị Thủy như được trở về với tuổi thơ cùng những ngày tháng phải đi sơ tán, phải trú dưới hầm. “Có một hình ảnh khiến tôi nhớ nhất, đó là vào năm 1972, khi Mỹ ném bóm ác liệt xuống Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, gia đình tôi phải đi sơ tán, lúc đó không may tôi lại bị rắn cắn phải đi cấp cứu nằm cạnh các bệnh nhân bị dính bom đạm. Những cảnh đó khiến tôi rất sợ. Tôi nằm viện mất 1 tháng, có lúc vết thương bị nhiễm trùng. Cũng may có mẹ tôi đã nhanh trí xử lý được, nếu không tôi sẽ phải cắt chân…” – Chị Thủy nhớ lại.

Những người từng tham gia dịch vụ viết hồi ký đều cảm thấy xúc động khi cuộc đời mình được tái hiện một cách chân thực nhất. Suốt những năm tháng chiến tranh, cũng như bao người phụ nữ khác, bà Nguyễn Thị Diệp - một tiểu thư đất Hà Thành phải gánh trên vai bao khó khăn, vất vả để nuôi dạy con cái ăn học thành tài. Khi đất nước hòa bình bà lại đồng hành cùng chồng trong sự nghiệp nghiên cứu y học. Bà Diệp cho biết những câu chuyện của bà không đơn giản chỉ là hồi ức mà đó còn là sự hy sinh, tính nhân văn mà bà muốn truyền lại cho con cháu sau này.

Một cuốn hồi ký tuy không mang giá trị vật chất nhưng lại là sợi dây thiêng liêng gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối các thế hệ trong gia đình với nhau. Thông qua cuốn hồi ký, thế hệ sau sẽ có cơ hội hiểu thêm về những gian nan vất vả, hay những khoảnh khắc hạnh phúc, thành công của ông bà, cha mẹ để từ đó thêm yêu quý và tự hào. Đó cũng chính là lý do mà Hoàng Đăng Dương dành tặng món quà bất ngờ cho bà nội. “Sau khi tìm hiểu thì mình thấy cuốn hồi ký rất cần cho mỗi gia đình, nó là sợi dây gắn kết mỗi thành viên trong gia đình. Qua cuốn hồi ký bà cũng gửi gắm đến thế hệ sau. Các thành viên trong gia đình mọi người hiểu dược cuộc sống của bà” - Dương chia sẻ.

Phần lớn người cao tuổi thường ngại chia sẻ hoặc nếu muốn thì cũng do rào cản, khoảng cách thế hệ khiến họ khó nói chuyện được với con, cháu. Nhưng nếu biết cách “phá băng” thì các cụ sẽ sẵn sàng mở lòng và chia sẻ những câu chuyện của cuộc đời mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có những khó khăn khách quan, như tuổi tác và trí nhớ khiến người cao tuổi không dễ gì nhớ lại được ngay. Vì vậy những thành viên của dự án viethoiky.com phải kiên nhẫn lắng nghe và gợi chuyện. Theo Nguyễn Nhật Mai, thành viên của dự án Viethoiky.com, sự ân cần, thấu hiểu chính là chìa khóa để mở ngăn kéo ký của người cao tuổi. Mai cho biết chính nhờ những lần được tiếp xúc, trò chuyện với người cao tuổi đã giúp Mai học được nhiều điều bổ ích.

Theo Phạm Tuân - Giám đốc dự án Viethoiky.com, việc viết hồi ký cho người cao tuổi sẽ được thực hiện theo 4 bước, đó là: lên lịch gặp gỡ, tư vấn ý tưởng, khảo sát, lên phong cách bối cảnh, nội dung cho cuốn sách; gặp khách hàng, trò chuyện đặt câu hỏi gợi mở, lắng nghe câu chuyện của các cụ; dàn trang; in ấn và hoàn thiện. Tất cả các bước đều được các chuyên viên tư vấn thân thiện và nhiệt tình.

Những ký ức vô hình tưởng chừng sẽ mất đi khi đời người kết thúc nhưng lại được lưu giữ đặc biệt trong cuốn hồi ký của gia đình để mỗi người chúng ta khi nhìn lại đều phải trân trọng và thêm yêu thương những người quanh mình./.

Mời nghe bài viết tại đây: