Ngại làm phiền đến con

Ở tuổi 70, bà Nguyễn Thị Tuyết ở Thanh Xuân, Hà Nội đành tạm dừng đam mê làm các dự án xã hội để tập trung điều trị căn bệnh đau khớp chân. Có lương hưu, có nhà riêng ở Hà Nội, bà Tuyết ít phải lo về vật chất.

"Lo lớn nhất là bệnh tật"- bà nói. "Khi đó người thân của mình, đặc biệt là con cái sẽ đối xử với mình như thế nào? Khá nhiều bạn bè tôi bắt đầu tìm đến chỗ nương tựa, như tìm hiểu nhà dưỡng lão, người em hay người thân có thể giúp mình lúc khó khăn".

Bà Tuyết không nhắc đến việc nhờ con đầu tiên bởi vì "con cái còn công việc của chúng nó, phải vật lộn cuộc sống"

Cuộc chạy đua thời gian của đời người cuối cùng cũng chỉ hướng về gia đình yên ổn và những đứa trẻ khỏe mạnh. Khi đứa trẻ lớn lên cũng là lúc “cỗ máy” ấy lui về già, sức khỏe yếu đi, ít thu nhập hoặc không có thu nhập. Không phải người cao tuổi nào cũng có có cuộc sống an nhàn, sáng tập dưỡng sinh, chiều đi café với bạn già. Thực tế, khi cầm sổ hưu, chuẩn bị ở ngưỡng gia nhập Hội người cao tuổi, không ít người run sợ hoặc dâng lên nỗi ám ảnh về tương lai.

Thứ mà bà Tuyết yên tâm nhất đó là đã chuẩn bị một khoản tài chính để khi không thể đi lại được nữa, bà có thể thuê người chăm sóc. Người già dù mạnh mẽ đến mấy, kinh tế vững bao nhiêu thì sâu thẳm vẫn cần người thân hơn cả. Tình thân gia đình là mỏ neo vững chãi cho đời người ở tuổi xế bóng hoàng hôn.

"Nhiều anh bạn tôi không thể ở chung với con" - Ông Nguyễn Văn Hạnh ở quận Hoàn Kiếm kể về trường hợp của người bạn khiến ông day dứt. "Có anh khổ lắm, con tranh chấp nhà cửa với bố rồi đẩy bố xuống ở khu bếp để nó chiếm phòng, khổ lắm".

Hãy nghĩ được báo hiếu là hạnh phúc

Vu Lan chắc chắn không phải chỉ một mùa. Hết đưa bố mẹ đi viện rồi lại về nhà chăm sóc, chị Nguyễn Thanh Hương ở Nam Định, lập nghiệp trên Hà Nội chia sẻ, chị đã gần như nghỉ việc kể từ ngày bố mẹ tai biến.

Mẹ chị bị tai biến, tiểu đường, nằm liệt tại chỗ 3 năm. Chăm người ốm thì vất vả nhưng với người già bị liệt thì không chỉ cần sức khỏe mà cả kỹ năng. Sau khi mẹ mất, bố chị lại bị tai biến 3 lần nhưng vẫn đi lại được. May mắn của chị là tích lũy tài chính và có nhà cho thuê để có tiền thu hàng tháng, vậy nên dù không đi làm cho vẫn có đồng ra đồng vào nuôi con ăn học và chăm bố.

"Ông khó tính. Bố ăn uống cứ không phù hợp là chỉ muốn hắt đi và khùng lên. Chỉ muốn đúng ý ông là ông đã không ăn tỏi thì người khác cũng không được ăn bên cạnh. Bây giờ lại còn vấn đề ninh nhừ thì ông vẫn ăn nhả bã. Vì vậy phải làm cháo dinh dưỡng như cho trẻ con ăn" - chị Hương kể..

Vẫn biết người già trở nên trái tính và kỹ tính, chị Hương kể thời gian chăm bố mẹ chị học được sự kiên nhẫn một cách thấu đáo.

"Chăm sóc người cao tuổi cần nhất là tính kiên trì. Mình tự ái là không làm được. Là con mình phải nhịn thôi, làm lành lại. Mình là con, không chăm thì ai chăm" - chị chia sẻ.

Chị Hương kể rằng khi bố khùng lên, hất đồ ăn, chị kiềm chế bằng cách nghĩ rằng khi còn bé mình cũng đã nhõng nhẽo bố mẹ như vậy. Đời người có 2 lần trẻ con: khi sinh ra và khi về già. Vậy nên chị lại vui vẻ đồng hành bên bố những tháng ngày cuối.

Người già lo thì vẫn lo phiền hà con cháu nhưng những đứa con khi được giáo dục đầy đủ họ sẽ hiểu rằng được báo hiếu bố mẹ là niềm hạnh phúc. Bởi khi ngọn đèn đã tắt, sợi dây sinh mệnh của cha mẹ đã hết, con cái muốn được ở bên, muốn được chăm sóc cha mẹ lần nữa cũng không còn cơ hội./.

Nghe chương trình tại đây: