Hơn một năm nay, cứ sáng sớm và chiều tối, khu vực sân đình thôn Dương Đá, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội lại vang lên tiếng nhạc dập dìu. Cùng với đó là hình ảnh hàng chục người cao tuổi say sưa với những điệu múa và các bài tập dưỡng sinh. Tạm nghỉ sau khi tập xong bài múa quạt, bà Phạm Thị Thọ cho biết giờ đây văn nghệ, thể thao trở thành “món ăn tinh thần” hàng ngày với bà và nhiều người cao tuổi trong thôn Dương Đá. Bởi thực tế cho thấy, từ khi tập luyện, bà cảm nhận rõ sự đổi thay về sức khỏe. “Trước kia, có những đêm đang ngủ, tôi phải dậy bóp chân vì đau nhức. Nhưng từ khi đi tham gia tập thể dục vào lúc sáng sớm và chiều tối, tôi ngủ sâu giấc hơn, ăn ngon miệng hơn, người, người cảm thấy sảng khoái, dễ chịu”, bà Thọ chia sẻ.

Tương tự, hơn một năm nay, bà Nguyễn Thị Bạ cũng coi văn nghệ, thể thao như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Chỉ những khi vì lý do “bất khả kháng” bà mới không ra sân tập. “Đi tập tôi thấy mình dẻo dai hơn, vui hơn. Vì thế, hôm nào cũng cứ mong ngóng đến giờ đi tập. Chỉ những hôm sức khỏe không tốt thì mới nghỉ, mà nghỉ là nhớ”, bà Bạ thổ lộ.

Khi nhắc đến những thay đổi tích cực về sức khỏe cũng như thói quen tập luyện văn nghệ, thể thao, cả bà Bạ và bà Thọ đều nhắc đến bà Dương Thị Lừng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vui - khỏe thôn Dương Đá.

Tự hào về phong trào văn nghê, thể thao của địa phương, bà Dương Thị Lừng cho biết lúc mới thành lập, Câu lạc bộ chỉ có 30 hội viên, đến nay thu hút gần 100 người. Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng các bài tập cũng đi lên. Đáng mừng hơn là sự đổi thay trong suy nghĩ, sự tự tin của người cao tuổi trong thôn về việc tập luyện văn nghệ, thể thao. “Nhiều người là những tay cày tay cấy, chưa bao giờ lên sân khấu. Ban đầu tham gia tập, các bà rất bỡ ngỡ, ngại ngùng nhưng đến giờ rất tự tin. Trong câu lạc bộ, có cả cụ năm nay đã 84 tuổi nhưng vẫn diễn và múa tốt. Mới đầu, một số người còn than chóng mặt nhưng hiện không ai có cảm giác ấy. Trái lại, những người tập đều thấy cân nặng phù hợp với chiều cao, các bệnh về tiểu đường giảm, đêm thì ngủ ngon….từ đó các cụ động viên hàng xóm tham gia tập luyện”, bà Lừng cho biết.

Nhìn hội viên biểu diễn, nhiều người nghĩ rằng Câu lạc bộ Vui - Khỏe của thôn Dương Đá hẳn phải mời giáo viên về hướng dẫn. Nhưng thực tế, tất cả những điệu múa, các bài tập dưỡng sinh đều do bà Dương Thị Lừng tự biên, tự diễn và hướng dẫn cho hội viên. “Chúng tôi không thuê thầy dạy. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi có ít năng khiếu về hát, múa và qua quá trình tập luyện thấy sức khỏe mình tốt lên nên tôi hướng dẫn lại cho các cụ. Hơn nữa, nếu thuê thầy dạy thì khó khăn về kinh phí”, bà Lừng chia sẻ.

Chứng kiến sự đổi thay về đời sống tinh thần của người cao tuổi cũng như phong trào văn nghệ, thể thao ở địa phương, ông Phùng Đắc Xương, Bí thư Chi bộ thôn Dương Đá thừa nhận có sự đóng góp rất lớn của bà Dương Thị Lừng, Chủ nhiệm CLB Vui - Khỏe. “Các phong trào ở thôn Dương Đá chúng tôi phong trào rất mạnh. Đây là một trong những yếu tố giúp cho địa phương 5 năm nay đạt danh hiệu thôn văn hóa với tỷ lệ gia đình văn hóa hơn 99%. Một trong những điểm nhấn của thôn là hoạt động của CLB Vui - Khỏe mà bà Dương Thị Lừng là người có công lớn trong việc thành lập, hướng dẫn và khích lệ người cao tuổi tham gia tập luyện”, ông Xương đánh giá.

Năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng với mong muốn góp phần nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi cũng như phong trào của văn hóa, văn nghệ và thể thao của địa phương, bà Dương Thị Lừng vẫn đặt ra những mục tiêu để không ngừng phấn đấu. Bà cho biết hiện vẫn đang hoàn thiện phần biên đạo cho một số tiết mục và bài tập mới, sau đó sẽ hướng dẫn cho hội viên cùng tập luyện.

Nghe bài viết dưới đây: