Thay đổi nhận thức về cơ hội mang lại nhờ già hoá dân số

Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, sẽ chỉ không tới 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Điều đáng nói là tốc độ già hóa dân số nước ta chỉ diễn ra trong vòng khoảng 15 năm trong khi các nước phát triển phải qua nhiều thập kỷ.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hiện cả nước có khoảng 12% dân số là người cao tuổi, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi, đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi".

Già hóa là một thành tựu kinh tế xã hội to lớn. Nhờ kinh tế xã hội phát triển, trong đó phải nhấn mạnh thành tựu về y tế, tuổi thọ của người dân Việt Nam được nâng cao. Hiện nay tuổi thọ của Việt Nam cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á. Đồng thời, do giảm sinh, tỉ lệ trẻ em giảm xuống, do vậy tỉ lệ người trong độ tuổi lao động và người cao tuổi tăng lên.

Sự chuyển đổi nhân khẩu học do già hóa dân số đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc như sự tăng trưởng kinh tế; lao động việc làm; chăm sóc y tế; an sinh xã hội; sự chuyển dịch các dòng di cư; thiết kế hạ tầng.

Do đó, để xây dựng xã hội thích ứng với già hóa dân số, các chuyên gia về dân số và phát triển, kinh tế học, xã hội học, cho rằng trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về người cao tuổi. Nghĩa là người cao tuổi không phải là gánh nặng mà một nguồn lực của gia đình, cộng đồng.

Lời tựa Báo cáo "Già hóa trong thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức" của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dù nhận định già hóa dân số không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có, nhưng cũng cho rằng, quá trình biến đổi nhân khẩu học không ngừng đem lại cơ hội, cũng như dân số già hóa với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội, vẫn có thể có những đóng góp lớn lao không ngừng cho xã hội.

Nói một cách khác, mặc dù già hóa dân số tạo ra những thách thức lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, song cũng mang đến nhiều cơ hội. Vấn đề là cách thức mà chúng ta lựa chọn để giải quyết các thách thức, cũng như tận dụng tối đa các cơ hội mà dân số già hóa nhanh chóng mang lại nhằm xác định liệu xã hội có được hưởng lợi hay không từ "cơ hội dân số già" như Báo cáo chỉ ra.

Già hóa không phải là một gánh nặng

GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, cho hay về mặt đạo lý, chúng ta không thể coi già hóa là một gánh nặng. Vì thế hệ già đã sinh ra và nuôi dưỡng thế hệ trẻ trong những năm tháng chiến tranh nghèo khó. Do vậy, hiện nay thế hệ trẻ phải có trách nhiệm chăm sóc và phụng dưỡng thế hệ già.

"Tuy nhiên, về mặt lý trí chúng ta cũng phải nhận thức hết những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội khi già hóa diễn ra nhanh" – GS Nguyễn Đình Cử nói.

Trước hết là vấn đề an sinh xã hội. Phần lớn người cao tuổi ở nước ta hiện nay không có lương hưu, cũng không có trợ cấp xã hội và không có tích lũy. Thứ hai là tình trạng sức khỏe của người cao tuổi được cải thiện nhưng chậm. Trung bình mỗi người cao tuổi còn mang đến 2,7 - 3 bệnh.

Thứ ba là hàng triệu người cao tuổi còn sức khỏe, vẫn có nhu cầu làm việc nhưng chưa được đáp ứng. Cuối cùng, sự khác biệt thế hệ ở Việt Nam là rất lớn. Nếu không thông cảm và thấu hiểu sẽ dẫn tới mâu thuẫn và xung đột thế hệ.

"Vì vậy, theo tôi già hóa không phải là một gánh nặng nhưng là một thách thức mà gia đình, xã hội và nhà nước cần chung tay giải quyết" – GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ.

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc) cho rằng, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực. Đơn cử, dân số cao tuổi là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.

Thậm chí, "ở Trung Quốc thị trường này rất triển vọng khi tỉ lệ người cao tuổi chi cho các dịch vụ tới 165 tỉ USD/năm", TS Nguyễn Ngọc Quỳnh nêu ví dụ và cho rằng, người cao tuổi còn là một lực lượng lao động cho xã hội, với khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương.

( Theo giadinh.net.vn)