Xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên hiện vẫn là nơi đất rộng người thưa. Tuy nhiên, đến đây hỏi thăm gia đình ông Trần Đình Khỏe, hầu như ai cũng biết. Ông là một trong những điển hình của xã về phát triển kinh tế từ đất rừng, đồng thời là người tiên phong trong việc hiến đất làm đường, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Ông Khỏe cho biết, ông lên vùng đất này khai hoang, lập nghiệp từ năm 1964. Ban đầu, ông trồng cây lấy gỗ, tiếp đó thực hiện theo các chủ trương, chính sách của địa phương về phát triển lâm nghiệp. Sau này, khi chính quyền cho phép, ông chuyển sang trồng các loại cây ăn quả kết hợp với cây lấy gỗ. Chăm chỉ vun trồng nên từ những năm 80 - 90 của thế kỷ 20, ông đã có những mùa bội thu. Làm nhà, tậu xe máy mà ông vẫn có “của ăn của để”. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thời đó từng đến tận nơi thăm quan mô hình của gia đình ông. “Khi Chủ tịch UBND tỉnh vào thăm, quýt đỏ lừ hết cả khu vườn. Nhưng chất lượng cây có múi không bền nên sau đó lại phải chặt bỏ, thay bằng loại cây khác. Tôi trồng bật ngàn mận tam hoa, quả to, ngon nhưng rồi cũng lại phải chặt thay bằng cây hồng không hạt. Kết cục cũng tương tự!”, ông Khỏe nhớ lại.

Là người năng động, sáng tạo, ông Khỏe liên tục thay đổi các loại cây, trái theo nhu cầu thị trường, đồng thời áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, vẫn trên mảnh đất, triền đồi đó là các loại cây, gồm 1.000 gốc ổi, 300 gốc nhãn, 200 mốc mít và diện tích lớn chè xanh. Tuy nhiên, toàn bộ các loại cây ăn trái này đều cho thu hoạch sớm hoặc muộn, thậm chí trái vụ mà chất lượng vẫn rất thơm, ngon. “Cây cho thu hoạch trái vụ, mình sẽ bán được giá cao hơn. Ví dự, để có thể thu hoạch ổi vào dịp Tết, tôi sẽ cắt tỉa cành, bón thúc vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6. Mình cũng có thể làm cho nó ra quả vào tháng 2 hoặc tháng 3, khi đó bán sẽ được giá tốt vì khoảng thời gian đó ít loại cây cho thu hoạch trái”, ông Khỏe thổ lộ.

Những mong bà con trong xã cũng có thể nâng cao giá trị của cây trái, ông Khỏe luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt cho những ai quan tâm. Cả khách du lịch là người làm vườn ở nơi khác đến tham quan Hồ Núi Cốc rồi ghé vào thăm vườn, mua các loại quả sạch, muốn tìm hiểu về kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng cho cây cũng được ông sẵn lòng chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội là một trong số đó. “Nhà tôi cũng trồng bưởi, trồng nhãn nhưng quả không mọng nước, không ngọt như quả tôi ăn thử tại vườn nhà ông Khỏe. Tôi nghe nói về việc bón cali sẽ cải thiện vấn đề này. Tôi hỏi và được ông Khỏe chia sẻ kinh nghiệm, rất bổ ích”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng với mong muốn góp phần nâng cao đời sống cho bà con trong xã, năm 2012, Trần Đình Khỏe còn hiến 1.800 mét đất để chính quyền địa phương làm đường bê tông liên thôn. Phải chặt bỏ 500 cây keo nhưng ông cũng xin không bồi thường và nhường khoản kinh phí ấy để chính quyền mua vật liệu xây dựng, làm đường liên thôn.

Ông Khỏe chia sẻ 1.800 mét đất ấy nằm ven khu vực Hồ Núi Cốc. Là người làm kinh tế, ông hiểu giá trị của phần đất đã hiến ấy. Tuy nhiên theo ông, giá trị mà nó mang lại cho cộng đồng là rất lớn. Trong đó, bản thân ông và các con mình cũng được hưởng lợi. Vì thế, cả hai vợ chồng và các thành viên trong gia đình đều rất vui khi được góp phần nhỏ bé làm thay đổi diện mạo và đời sống của bà con địa phương. “Khi quyết định hiến đất để làm đường, tôi suy nghĩ rất kỹ. Tôi hiến đất là vì tương lai của con em chúng ta, vì tương lai công đồng, trong đó có các con của mình”, ông Khỏe chia sẻ.

Ông Khỏe cho biết, ngoài 2 héc-ta đất rừng, phần đất thổ cư ven Hồ Núi Cốc, sát con đường ông đã hiến với diện tích gần 2.000 mét vuông đang trồng cây ăn trái có giá hàng chục tỷ đồng. Nhiều người ngỏ ý muốn mua để phát triển du lịch. Ông không có ý định bán, bởi đây cũng là điều mà ông và các con của mình đang hướng tới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.