Năm 2021, các phụ huynh ở ấp 3, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang vui mừng khi nhà nước đầu tư xây dựng ngôi Trường Tiểu học Ngô Quyền mới với diện tích rộng lớn, khang trang hơn.
Thế nhưng, niềm vui đó không trọn vẹn khi con đường duy nhất để học sinh đến trường phải đi đường vòng khá xa trên con lộ nông thôn đã xuống cấp.
Điều kiện kinh tế cũng không mấy khá giả, sống nhờ vào mảnh vườn trồng cây ăn trái sau nhà, nhưng khi địa phương ngỏ ý mở con lộ qua đất nhà mình để rút ngắn đoạn đường di chuyển cho học sinh, ông Huỳnh Văn Phúc không chút đắn đo đốn hạ 50 gốc xoài, 20 gốc vú sữa đang cho trái trĩu quả, mỗi năm tiền bán trái từ 60 - 80 triệu, để hiến tất cả 2.000㎡ cho nhà nước.
Ông Phúc chia sẻ, cả đời làm lụng vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Ngày xưa đường xá chưa có, muốn đến trường rất gian nan, nên chữ nghĩa không có. Giờ ông muốn đóng góp con đường nhỏ cho thế hệ tương lai của cả xóm.
"Vào mùa mưa, những đứa nhỏ đạp xe trên con lộ xập xệ, trơn trượt. Có hôm tôi thấy đứa cháu xóm trên đi bất cẩn té ngã, khóc mếu máo, thấy thương quá. Nên mấy chú trong xã xuống mở lời, tôi gật đầu hiến đất ngay", ông Phúc bộc bạch.
Em Nguyễn Thùy Dương, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, lúc trước do đường cũ ổ gà, ổ voi nên ba mẹ em không yên tâm phải đưa rước em đi học mỗi ngày. Nay có con đường mới, em cùng bạn bè trong xóm tự đạp xe đi để ba mẹ ở nhà làm việc. "Em đã hết sợ đến lớp muộn, nhờ có ông Năm Phúc hiến đất mở lộ mà đi từ nhà đến trường em chỉ mất 15 phút", Thùy Dương nói.
Trên con lộ bê tông mới thẳng tắp, không chỉ những đứa trẻ, mà bà con thụ hưởng con lộ này cũng rất phấn khởi. Làng xóm nhộn nhịp hơn hẳn với hình ảnh những chiếc xe chở trái cây, hàng hóa tấp nập, trẻ em đạp xe đến trường cười đùa rôm rả.
Anh Trương Văn Bình cho biết, công việc của anh hàng ngày mua trái cây xung quanh xóm chở ra chợ Châu Thành A bán lại cho các tiểu thương. “Nhờ có chú Phúc hiến đất làm đường, học sinh đến trường dễ dàng hơn. Anh em lao động cũng tiết kiệm được chi phí xăng xe. Coi như có thêm đồng lời, tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi", anh Bình bày tỏ.
Theo anh Bình, giá đất tại địa phương ngay mặt lộ mỗi công (1.000 ㎡) từ 500 triệu trở lên. Thời này, người ta giành ranh, lấn đất thậm chí thưa kiện nhau ra tòa. Từ đó mới thấy, việc hiến đất của chú Năm Phúc rất đáng trân trọng.
Ông Trần Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) - cho biết, trước đây vị trí Trường Tiểu học Ngô Quyền nằm ven sông. Do xây dựng lâu năm, ngôi trường này đã xuống cấp nên địa phương xây trường mới ở vị trí khác. Tuy nhiên, con đường đến ngôi trường mới này xuống cấp trầm trọng.Vì thế, UBND xã ngỏ ý mở con đường mới qua đất của ông Phúc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường. Sau khi trao đổi với các thành viên trong gia đình, ông Phúc đã hiến 2.000㎡ đang canh tác cây ăn trái.
"Thay vì trước đây học sinh trong xã phải đi con đường cũ tầm 30-40 phút mới đến trường, thì hiện nay chỉ đạp xe khoảng 15 phút. Bên cạnh đó con đường này còn góp phần tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển”, ông Chiến cho biết thêm.
Nguồn: laodong.vn