Căn phòng trọ chưa tới 15 m2 nằm trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Tiết, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, thứ quý giá nhất của bà giáo già Nguyễn Thị Ba có lẽ là những tập sách đã nhuộm màu thời gian. Động lực cháy bỏng duy nhất của bà giáo là làm sao để những đứa trẻ, những mảnh đời cơ cực có cơ hội học chữ, đổi đời...

Khi trò chuyện, trải lòng về cuộc đời mình, cô giáo Ba rất kiệm lời và không muốn nói nhiều về những việc mình đã làm. Bà Nguyễn Thị Ba cho biết, nghề giáo là niềm yêu thích và bà đã lựa chọn theo sự mách bảo của con tim.

Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Sài Gòn vào năm 1968, bà được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một cho đến năm 2003 thì về hưu.

Năm 2012, biến cố ập xuống gia đình của bà Nguyễn Thị Ba. Bố bà mất, anh ruột ở tận Vĩnh Long, bản thân không lập gia đình nên bà từng có ý định vào trung tâm nuôi dưỡng người già để sống. Bà Ba đến cổng trung tâm, đứng hồi lâu nhìn vào phía trong, thấy cảnh già buồn tẻ đến nao lòng, bà lặng lẽ quay về. Nghĩ mình còn có nghề, còn niềm đam mê dạy học, với số tiền ít ỏi trong túi hơn 1 triệu đồng, bà giáo già quyết định thuê một căn trọ nhỏ, hằng ngày nhận vài em về dạy thêm tại nhà.

Để có thêm chi phí mua sách vở cho các em, bà Ba đi bán vé số. Trên đường bán vé số hằng ngày, bà Ba gặp rất nhiều trẻ em không biết chữ, có em do nhà nghèo, em cha mẹ ly tán, cũng có trường hợp éo le vì không có giấy khai sinh nên phải đi bán vé số thay vì đến trường. Nhìn hoàn cảnh của những đứa trẻ, bà Nguyễn Thị Ba đau lòng tự hỏi, tại sao bà không làm điều gì đó để giúp các em có cơ hội thay đổi và phát triển tốt hơn.

Trong ký ức, bà Ba nhớ lại thời gian trước đó khi tham gia nhóm từ thiện Sen Vàng gồm nhiều nhà giáo đã nghỉ hưu, lớp học tình thương ở phường Phú Cường đang rất thiếu giáo viên. Trăn trở trước những mảnh đời nhỏ bé, vào tháng 4 năm 2016, bà Ba quyết định tới lớp học tình thương và xin được dạy miễn phí.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phường Phú Cường, đơn vị quản lý lớp học đã đón nhận bà Ba với sự cảm kích, hoan nghênh. Và chỉ trong buổi chiều đó, bà Ba bắt đầu buổi dạy đầu tiên. Sau 13 năm nghỉ hưu, bà giáo một lần nữa trở lại bục giảng. Dù lớp học ở đây chỉ có 15 m2 với gần 20 em học sinh, rải đều từ lớp 1 đến lớp 5 với nhiều hoàn cảnh, độ tuổi, nhỏ nhưng luôn lấp đầy tình yêu thương và sự chia sẻ của bà giáo già.

Trước khi vào lớp, cô giáo Ba xếp hàng điểm danh từng học sinh, sau đó là phần đánh giá, nhận xét bài tập của các em. Em nào viết tốt, viết đẹp sẽ được khen ngợi trước toàn lớp, em nào còn yếu thì được động viên cố gắng thêm.

Khi trời nhá nhem cũng là lúc căn phòng nhỏ lại rộn ràng bởi tiếng đánh vần của các học sinh lớp 1, tiếng đọc thơ của những em lớp 5. Dù mắt đã kém đi rất nhiều nhưng cô giáo Ba vẫn cố ghìm viên phấn để viết lên bảng những dòng chữ đẹp nhất, nắn nót nhất để bắt đầu buổi học.

Anh Nguyễn Phan Hoàng Tuấn, Phó Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên phường Phú Cường chia sẻ, từ ngày cô giáo Ba đứng lớp, các em học hành tiến bộ hẳn lên, nhiều phụ huynh là công nhân cũng mang con em tới lớp học. Sứ mệnh của cô giáo Ba không chỉ đơn thuần là dạy học mà còn truyền đạt tình yêu thương và sự tử tế. Bằng tấm lòng và sự cống hiến, bà đã tạo nên một môi trường học tập luôn đong đầy yêu thương và ấm áp tình người.

Niềm vui sau mỗi ngày bán vé số mệt nhọc là buổi chiều đến với lớp học tình thương. Cũng bởi niềm vui có phần cơ cực ấy mà hơn 7 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, đôi chân của bà giáo tuổi ngoài bảy mươi vẫn ngày ngày đi bộ quãng đường gần 3 km từ nhà trọ đến Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng phường Phú Cường lo cái chữ cho những mảnh đời khốn khó.

Lớp có nhiều trình độ nhưng do không có giáo viên nên buộc phải dồn vào học chung một phòng. Cô giáo Ba phải sắp xếp học sinh ngồi theo nhóm từ lớp 1 đến lớp 5 với mỗi lớp sẽ có giáo án, phương pháp dạy riêng và cô giáo già, dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn rất minh mẫn, luôn cập nhật kiến thức để dạy cho học sinh hiệu quả nhất. Tùy vào từng cấp độ, khả năng học tập của từng em học sinh, cô giáo Ba sẽ trực tiếp chỉ dẫn, uốn nắn riêng từng em trong những buổi học. Nhờ những nỗ lực, kiên trì ấy, gần 20 em học sinh, từ một chữ bẻ đôi không biết nay đã có thể đọc, viết trôi chảy. Nói đến đây, cô giáo Ba lấy trong tủ xấp bài viết của học trò, khoe đây chính là “tài sản vô giá” của mình.

Vừa là cô giáo và cô giáo Ba vừa là một người bà đỡ đầu cho cuộc đời những đứa trẻ kém may mắn. Trò chuyện với chúng tôi, học sinh trong lớp đều dành những tình cảm sâu sắc cho cô giáo già. Nhờ sự dạy dỗ của cô giáo Ba, các em đã có khả năng định hình ước mơ riêng và quyết tâm trong học tập. Tất cả đều khao khát trưởng thành, có công việc để giúp đỡ gia đình và có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như cách mà cô giáo Ba đã và đang làm. Trong lớp học tình thương, có em Doãn Thị Yến Nhi (năm nay 19 tuổi, ở phường Phú Cường) đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ba mẹ của Nhi đã ly dị, em được bà nội nuôi, chăm bẵm từ lúc chưa tròn 3 tuổi. Để có tiền ăn uống và thuê trọ, Nhi và bà đã vất vả nấu xôi mang ra chợ bán. Khi thấy các bạn cùng tuổi được đi học, em chỉ có thể ước mơ.

Và giờ, ước mơ của Nhi đã trở thành hiện thực nhờ được đến lớp và cô giáo Ba tận tình chỉ dạy suốt 4 năm qua nên giờ đây Nhi đã có thể đọc mà không vấp chữ, viết rất đẹp, đúng chính tả và biết làm những phép tính đơn giản. Yến Nhi chia sẻ, dù ban đầu viết những nét chữ đẹp là điều khó khăn, nhưng nhờ cô giáo Ba chỉ ra những lỗi sai và cầm tay nắn nót từng chữ, giờ em đã có thể viết và đọc thành thạo. Nhi và các bạn trong lớp đều cảm nhận được sự tận tâm và tình thương của cô giáo Ba.

Thường xuyên mua vé số và ủng hộ lớp học tình thương của cô giáo Ba, anh Trần Văn Thiện (39 tuổi) cho biết, anh rất cảm phục cô giáo Ba vì có những người như cô thì các bé mới biết đến con chữ. Cô rất tận tình, hết lòng chăm lo cho các bé nên anh cũng muốn góp chút tấm lòng để con đường học chữ của các em bớt vất vả.

Bằng việc làm cao quý, cống hiến cho cộng đồng, cô giáo Nguyễn Thị Ba là một trong 10 cá nhân được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Tình nguyện viên quốc gia năm 2020.

Có lẽ, do không có con cái nên tất cả tình yêu thương và những gì “giàu có” nhất, cô giáo Ba đều dành cả cho những đứa trẻ kém may mắn ở lớp học tình thương. Phòng trọ chưa tới 15 m2, cô Ba chỉ kê một chiếc giường đơn, diện tích còn lại cô để gạo, bánh kẹo, sữa và các nhu yếu phẩm khác mà cô đã chuẩn bị sẵn cho học trò và dành phần thu nhập ít ỏi của mình để san sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn đang hiện hữu quanh mình.

Mỗi tháng, bà giáo già có hơn 4 triệu đồng tiền lương hưu, một nửa để đóng tiền trọ, một nửa để sinh sống. Bà Ba sống tằn tiện vừa đủ trong 4 triệu đồng đó, còn tiền bán vé số bà dành toàn bộ mua đồ dùng học tập cho học trò và mua phần thưởng để khích lệ các em chăm chỉ đến lớp.

Hằng ngày, bà Ba đi bán vé số từ 7h sáng, có hôm muộn đến 23h đêm. Bà giáo già đi bộ qua các con đường, ngõ hẻm, vào các quán cà phê. Mỗi ngày quy định bán hết 100 tờ. Thời gian gần đây, nhiều người biết đến việc bà giáo dạy học miễn phí nên mua ủng hộ nhiều. Cảm thấy đây là cơ hội để tăng thêm thu nhập, đồng nghĩa kéo được nhiều trẻ em nghèo khó đến lớp hơn nên bà Ba lấy thêm vé số, có hôm bán được 240 tờ, tiền dư tương ứng là 240.000 đồng.

Sau khi trang trải việc học cho các em, còn dư một chút, bà giáo già lại mua gạo, mì tôm hỗ trợ các gia đình khó khăn và người bệnh trong xóm trọ của mình. Gần 3 năm nay, bà Ba lập một sổ tay với 12 gia đình hoàn cảnh đặc biệt (tàn tật, bệnh tai biến, lớn tuổi neo đơn...) trên địa bàn phường Phú Cường để định kỳ hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm. Trong thâm tâm, bà giáo già suy nghĩ muốn san sẻ, giúp đỡ người khó khăn hơn ngay khi bản thân có thể chứ không phải chờ đến có của dư của để. Và, hơn tất cả là gần 20 đứa trẻ trong lớp học tình thương, ngoài hỗ trợ mỗi học sinh bằng cách tặng gạo, nhu yếu phẩm hằng tháng, cô giáo Ba mong muốn các em không phải cố đi bán vé số kiếm sống mà bỏ lớp, bỏ học.

Mỗi tối, sau khi kết thúc buổi lên lớp, thay vì về nhà trọ nghỉ ngơi thì bà giáo tranh thủ đi mời khách mua những tờ vé số của ngày hôm sau, để lại tiếp tục hành trình gieo con chữ cho những mảnh đời cơ cực. Trở về nhà khi con hẻm nhỏ chỉ còn lại ánh đèn, mọi nhà đều đã chìm sâu vào giấc ngủ, cô giáo Ba vẫn chong đèn soạn giáo án, chấm bài và sắp xếp lại mỗi tờ vé số cho ngày bán hôm sau. 75 tuổi, đôi chân đã yếu, đôi mắt cũng không còn tinh anh nữa, bà giáo già không thể là bờ vai của những lứa học trò nghèo mãi được.

Đặc biệt, sau một lần bị tai nạn vào tháng 9 năm 2022, sức khỏe bà Ba giảm sút rõ rệt nên bà cũng đã nghĩ đến việc về quê người anh trai ở Vĩnh Long an hưởng tuổi già. Dự định của bà giáo sẽ theo lớp học đến hết năm 2024, khi đó các em đều đã học hết lớp 5, đều có thể đọc viết thông thạo và biết tính toán cơ bản. Các em có thể tìm được một công việc tốt hơn thay vì bán vé số, hay bưng bê dọn dẹp hàng quán như trước kia. Khi biết một ngày không xa lớp học sẽ phải chia tay bà giáo già, nhiều em cảm thấy hụt hẫng, nét buồn vương rõ trên khuôn mặt.

Anh Phạm Minh Cường, cán bộ phường Phú Cường, người quản lý lớp học tình thương và trực tiếp đứng lớp cùng cô giáo Nguyễn Thị Ba cho biết, nhờ cô giáo Ba mà nhiều em đã biết chữ, ra đời tìm được việc làm tốt hơn. Sau này, khi cô giáo Ba không còn dạy nữa thì lớp học tình thương vẫn được duy trì. Anh Cường mong muốn tấm gương của cô giáo Ba sẽ lan tỏa đến nhiều tình nguyện viên, để họ sẵn sàng tham gia lớp học.

Theo Anninhthegioionline