Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi đến thăm nghệ nhân Lèo Văn Chom ở bản Thộ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Năm nay đã 73 tuổi nhưng ông Chom vẫn say mê "pí pặp" - một loại nhạc cụ dân tộc Thái. Ông Chom bảo, Cộng đồng người Thái ở Sơn La đã gửi gắm vào loại nhạc cụ này tinh thần lạc quan và những triết lý sống của dân tộc mình. Đây cũng là loại nhạc cụ có vai trò quan trọng và linh thiêng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái.

Đam mê pí pặp

Dưới mái hiên nhà sàn truyền thống đơn sơ, giản dị, chỉ có ông Chom và vợ đang phơi những hạt ngô, nuôi vài con gà, an hưởng tuổi già. Ông Chom tóc đã bạc trắng nhưng giọng nói vẫn lưu loát, thanh thoát chẳng khác nhiều so với ngày còn trẻ. Nói đến pí pặp (cây sáo), đôi mắt già nua chợt sáng lên.

Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Chom lấy chiếc khăn lau những Bằng khen, Giấy khen treo trang trọng trên tường nhà như một niềm tự hào về những thành tích mà ông đã một thời trải qua bao sóng gió, khổ luyện.

Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Sau này tôi được bố, mẹ cho đi học tại Trường Thanh niên dân tộc tỉnh Sơn La. Tôi là một trong những cây văn nghệ của trường, rất đam mê các loại nhạc cụ dân tộc Thái. Trong đó, cây pí pặp là một trong những nhạc cụ tôi yêu thích và được người cha quá cố truyền lại, lưu giữ cho đến ngày nay, - ông Chom nhớ lại.

Từ khi mới 15, 16 tuổi, cậu bé Chom đã bắt đầu học cha cách chơi các loại nhạc cụ dân tộc Thái, nhưng để học thành thạo cây pí pặp rất khó. Chính bởi vậy mà phải mất 2 năm trời ròng rã, Chom mới thổi được cây pí pặp với những âm thanh đúng theo bài hát tiếng Thái. Quan trọng là người thổi phải thực sự đam mê và hòa tâm hồn mình vào trong cây pí pặp. Có như vậy âm thanh mới uyển chuyển, cuốn hút người nghe và giai điệu pí pặp mới trở nên sống động.

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Trường Thanh niên dân tộc tỉnh Sơn La, ông Chom nhận công tác tại Đài phát thanh khu tự trị Tây Bắc (nay là Đài PT-TH tỉnh Sơn La). Trong thời gian công tác ở Đài, ông Chom được phân công phụ trách mảng văn nghệ. Từ đây, âm thanh của cây pí pặp đã ngân vang khắp núi rừng Tây Bắc. Đến năm 2006, sau 35 năm công tác, ông Chom được nghỉ hưu theo chế độ.

Mặc dù tuổi cao, nhưng tình yêu và niềm đam mê ca hát, nhạc cụ dân tộc, nhất là cây pí pặp vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn ông Chom. Ông vẫn chế tác nhạc cụ dân tộc Thái và thổi pí pặp cho bà con Nhân dân nghe và sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Trao truyền thanh âm của núi

Gắn bó với cây pí pặp hơn 50 năm nay, ông Chom bảo tất cả chỉ vì một tình yêu với âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Người Thái có nhiều loại nhạc cụ làm từ ống giang, ống nứa, chỉ riêng sáo, tức pí của người Thái, ngoài thổi được pí pặp, ông Chom còn thổi được pí láo nọi, pí láo luông, pí tam. Mỗi loại pí được sử dụng trong các trường hợp khác nhau và có âm điệu khác nhau.

Vừa giới thiệu về cách chế tác và các loại pí, ông Chom vừa thổi cho chúng tôi nghe giai điệu của từng loại. Nhìn chiếc pí pặp tương đối đơn sơ, nhưng khi nghệ nhân Lèo Văn Chom cất lên nhịp điệu thì chúng tôi như cảm nhận được sự giao hòa giữa đất trời và vạn vật, ngân rung bay bổng khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm cho tâm hồn con người sáng hơn và thêm tin yêu vào cuộc sống.

Ngày xưa, với những chàng trai Thái, pí pặp như người bạn, còn với các cô gái Thái, tiếng pí pặp là âm thanh giúp họ tìm được người trong mộng và qua tiếng pí pặp người nghe có thể cảm nhận được tâm trạng, cảm xúc của người thổi đang vui hay buồn.

Cũng theo ông Chom, những năm 70 của thế kỷ XX điện thoại, xe cộ không có như bây giờ, đường giao thông thì đi lại vô cùng khó khăn. Thứ duy nhất để gọi người mình yêu chính là pí pặp, khi các chàng trai đi gặp người yêu đầu tiên sẽ thổi đàn môi trước nhưng âm thanh của đàn môi thường bé nên khi thổi đàn môi mà người con gái không nghe thấy thì sẽ lấy cây pí pặp ra thổi để người yêu nghe rõ hơn.

Ngày nay, những người dân tộc Thái biết thổi pí pặp ở bản Thộ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Chom đã và đang góp phần vào việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Ông Hoàng Văn Chứng, gần 60 tuổi, ở bản Thộ, xã Chiềng Ban là người duy nhất của bản kế thừa cây pí pặp từ ông Chom. Ông Chứng chia sẻ: “Năm tôi lên 12 tuổi, tôi hay sang nhà ông Chom chơi, tôi được nghe ông Chom thổi cây pí pặp về các làn điệu dân ca của dân tộc mình nên tôi thích lắm. Ngoài ra, tôi nghe các cụ nói để tỏ tình với người mình yêu thì không thể thiếu cây pí pặp này, do vậy tôi đã quyết tâm học cây pí pặp do ông Chom truyền dạy”.

"Vào các ngày lễ Tết, ngày hội đoàn kết toàn dân, tổng kết bản... người dân trong bản lại cất lên những làn điệu dân ca của dân tộc mình và tôi cũng mang cây pí pặp đến để thổi phụ họa theo giai điệu bài hát. Tôi luôn mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy và gìn giữ những làn điệu dân ca và nhạc cụ dân tộc Thái", - ông Chứng nói.

Cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay nhưng những âm vang say sưa của tiếng pí pặp, đàn môi, tính tẩu… có lẽ vẫn sẽ còn ngân nga gắn bó với người Thái nơi vùng cao Sơn La nói riêng và vùng cao Tây Bắc nói chung. "Pí pặp" là nhạc cụ kết tinh của tình yêu, là linh hồn trong âm nhạc dân ca, dân vũ, biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Thái. Cộng đồng người Thái cũng gửi gắm vào loại nhạc cụ này tinh thần lạc quan và những triết lý sống của dân tộc mình.

Để ghi nhận những cống hiến, thành tích đó, năm 2019, ông Lèo Văn Chom đã được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú về "Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Sơn La, đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc".

Nguồn: baodantoc.vn