Thực tế cho thấy người cao tuổi sở hữu nguồn lực vô cùng quý giá cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Đó là kinh nghiệm, sự biểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều này được thể hiện rất rõ tại các làng nghề truyền thống. Nhờ có những người luôn đau đáu vì sự tồn-vong của nghề truyền thống nên làng nghề ấy mới duy trì và phát triển được cho đến ngày nay. Tiêu biểu như nghệ nhân Đỗ Thị Tuyến, ở làng nghề truyền thống Đa Sỹ, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Không chỉ giữ lửa nghề, góp phần phát triển làng nghề, bà còn truyền cảm hứng và cùng các con đưa các sản phẩm Đa Sỹ ra thị trường nước ngoài. “Tôi làm nghề từ ngày còn là học sinh Trung học cơ sở. Sống ở làng nghề, một buổi tôi đi học, buổi còn lại tôi phụ cho bố mẹ làm nghề. Quen nghề, rồi yêu nghề và tâm huyết thì mới làm nghề gần 40 năm nay”, bà Tuyến chia sẻ

Am hiểu và luôn thiết tha giữ gìn những nét văn hóa của dân tộc nên người cao tuổi còn là lực lượng chính thực hành các tri thức văn hóa ấy. Đây là khẳng định của ông Hoàng Đức Quế, Trưởng Ban Đại diện Người cao tuổi tỉnh Yên Bái khi đề cập vai trò của các vị cao niên trên địa bàn tỉnh trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số. “Yên Bái là tỉnh miền núi, có 30 dân tộc anh em, văn hóa đa dạng. Người cao tuổi không chỉ am hiểu về bản sắc văn hóa truyền thồn mà còn là người truyền đạt, khôi phục bản sắc. Nếu không có người già thì không giữ gìn được văn hóa truyền thống”, ông Quế tâm sự.

Ông Quế cho biết: tâm niệm "văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", nên Ban đại diện Người cao tuổi tỉnh Yên Bái cũng đã có nhiều hình thức hỗ trợ, giúp các nghệ nhân phát huy những nét đẹp văn hóa.

Tại các địa phương thuộc vùng sâu vùng xa, vai trò của người cao tuổi, nhất là các già làng, càng được thể hiện rõ. Trao đổi với phóng viên VOV2, bà Rơ Chăm H'Yéo, Trưởng Ban đại diện Người cao tuổi tỉnh Gia Lai cho biết: tiếng nói hành động của các già làng có tác dụng dẫn dắt, định hướng cho văn hoá ứng xử của cả cộng đồng nơi sinh sống. “Hiện nay chúng tôi có hơn 500 già làng. Trong cộng đồng, già làng nói là người dân nghe theo. Trong nhiều việc, già làng không có ý kiến thì không làm được”, bà Rơ Chăm H'Yéo thổ lộ.

Nghe bài viết dưới đây: