Số người trên 60 tuổi ở Việt Nam đang tăng lên rất nhanh. Cụ thể giai đoạn 2009-2019, số lượng người cao tuổi tăng từ 7,67 triệu lên 11,4 triệu, dự báo năm 2030 lên 18 triệu (chiếm 17,5% dân số). Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển sang giai đoạn già hóa dân số như Pháp 115 năm, Australia 73 năm..., còn Việt Nam chỉ khoảng 26 năm. Điều đó cho thấy tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển và nước ta còn rất ít thời gian để chuẩn bị cho một xã hội dân số già.

Theo thống kê của Tổng cục Dân số, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Cụ thể, phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi thấp (64 tuổi); đặc biệt, 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.

Người cao tuổi Việt Nam đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”. Tình trạng này không chỉ làm suy yếu khả năng lao động, giảm thu nhập mà còn tăng chi tiêu y tế. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần người trẻ. Chăm sóc sức khỏe vừa là nhu cầu, vừa là thách thức lớn đối với người cao tuổi.

Bên cạnh đó, người cao tuổi gia tăng sẽ là gánh nặng phụ thuộc đối với người trong độ tuổi lao động. Năm 2014, cứ 100 người trong độ tuổi lao động, tương ứng có 15 người cao tuổi. Quá trình già hóa làm cho người cao tuổi tăng lên, còn người trong độ tuổi lao động giảm dần. Vì vậy, đến giữa thế kỷ này, tương ứng với 100 người trong độ tuổi lao động có tới 43 người cao tuổi.

Điều này cho thấy, gánh nặng phụ thuộc của người lao động tăng lên. Nếu năng suất lao động không tăng nhanh hơn, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong tích lũy và đầu tư, khó đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và tránh được “bẫy thu nhập trung bình”.

Số liệu từ Tổng cục Dân số cho thấy, 73% người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu và phải sống phụ thuộc vào con cái. Cụ thể, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định. Đồng bằng sông Hồng là khu vực có tỷ lệ người cao tuổi đông nhất, chiếm 28% và thấp nhất là khu vực Tây Nguyên với 4%.

Do đó, để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi cần đẩy mạnh phát triển Bảo hiểm xã hội cho người lao động, đặc biệt bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là một trong những biện pháp “lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ”. Mặt khác, việc tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế là một hoạt động thực tế mang tính lâu dài, song hành cùng quá trình già hóa. Thực tế, tỷ lệ người cao tuổi hoạt động kinh tế không ngừng tăng và hiện đã đạt hơn 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực và nhiều người cao tuổi chưa có việc làm.

Theo đó, để có thể triển khai thông qua việc khuyến khích các cơ sở, đặc biệt là khối tư nhân sử dụng lao động người cao tuổi. Nâng cao tuổi về hưu, trước hết là những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, cải thiện điều kiện làm việc cho phù hợp với người cao tuổi. Thành lập các trung tâm thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho đối tượng này.

Theo VnExpress