Không biết nghề ướp trà sen có từ bao giờ ở Hà Nội, nhưng ông Ngô Văn Xiêm sinh ra và lớn lên đã gắn bó với nghề ướp trà sen truyền thống của gia đình từ tấm bé. Ông Xiêm kể, đến đời con ông, gia đình ông đã có 5 đời làm trà sen.

Việc lấy hạt nhụy hoa phải khéo léo và nhanh để đảm bảo giữ được nhiều hương sen. Phần chè được chọn ướp sen phải cho ủ cánh sen từ hôm trước để chè mềm ra, vì như thế chè mới thả sức mà thẩm thấu hết cái tinh túy của gạo sen. Sau đó bắt đầu ướp chè với gạo sen.

Cứ mỗi 1kg chè, người ta phải dùng hai lạng gạo sen cho một lần ướp. Ướp xong lại đem sấy khô, ướp tiếp lần hai. Cứ ba ngày thì được một lần ướp như thế. Trà sen muốn thơm ngon và được nước thì phải trải qua 7 lần ướp hương và tách gạo như thế. 21 ngày ướp và sấy mới được một mẻ trà sen. Ngoài chọn chè ngon (ở Tân Cương, Thái Nguyên), thì công đoạn sấy rất cần bí quyết nhà nghề. Thưởng thức ấm trà sen Hồ Tây dù đã nước thứ 5 mà vẫn còn hanh vàng và đượm mùi, ông Xiêm cười khà khà tự hào: “Thế mới là trà sen Hồ Tây đích thực. Không phải ngẫu nhiên trà sen được mệnh danh là “Tiên ẩm”.”

Trong nhà công đoạn ướp gạo sen vào trà chỉ có mình ông làm được. Gạo của khoảng 1.500 bông sen chỉ ướp được 3kg trà. Để trà sen ngon, thơm đượm, nồng hương thì phải ướp, ủ, sấy làm đi làm lại 3 lần. Mỗi lần ướp mất 3 ngày. Tính ra mỗi mẻ trà từ khi ướp, ủ và sấy thành phẩm phải mất 21 ngày. Trong thời gian tách hoa, ướp trà và sấy mặc dù trời rất nóng là vậy nhưng không được bật quạt và điều hòa làm cho sen mất mùi thơm.

Làm trà sen đã lắm công phu, nhưng thưởng trà cũng phải đúng cách mới thấy hết hương thơm và sự đượm nồng của trà. Ấm pha trà phải là ấm đất, không có lớp men bóng. Bộ ấm nhỏ, chén mắt trâu. Sau khi cho trà vào ấm tráng qua một lượt nước nóng bỏ đi mới đổ nước vào trà ngâm chừng 3-5 phút cho ngấm.

Uống trà sen, nếu nhanh vội sẽ không thấy hết được hương vị của trà. Khi trà rót ra chén, trước khi thưởng trà phải đưa lên mũi hít hà từng hơi, thưởng thức hương thơm của sen hòa quện với trà. Khi uống cũng nhấp từng ngụm nhỏ, giữ trà trong miệng và nuốt từ từ vào trong cổ họng. Uống trà sen có người thân, bạn tâm giao, thậm chí chỉ vị khách qua đường muốn nghe mạn đàm chuyện về nghề khiến cho mọi người xích lại gần nhau hơn và mới thấy hết vị ngon của trà.

Trà sen trở thành một đặc sản của người Hà Nội đã đi vào tiềm thức của bao người dân Thủ đô và du khách gần xa. Không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó còn mang đậm nét văn hóa, tinh tế của người Hà Thành, là món quà quý cho những người đi xa nhớ về miền đất kinh kỳ.

Cũng bởi vậy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng công nghệ thông tin phát triển đã nối khoảng cách giữa người làm trà với khách ở khắp mọi miền đất nước thậm chí cả ở nước ngoài. Người nhớ trà sen vẫn đặt mua qua điện thoại, qua mạng xã hội để kinh doanh, làm quà biếu. Sen Hồ Tây mỗi năm chỉ nở một mùa, nhưng hương thơm của trà ướp sen Hồ Tây qua bàn tay của nghệ nhân Xiêm đã đi khắp muôn nơi, gắn kết tình người và nối những nhịp cầu kinh doanh với Hà Nội./.

(Theo Kinh tế đô thị.vn)