Ông Dương Văn Ngộ sinh ngày 3/3/1930, được người dân thành phố Hồ Chí Minh nhắc đến với nhiều tên gọi như "người viết thư tình xuyên thế kỷ", "người nối thế giới bằng cây bút mực", "người giữ hồn cho những lá thư tay"...

Ông học trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) - đó là nơi ông từng là cậu bé con nhà nghèo hiếm hoi được chọn vào học chương trình tiếng Pháp bài bản. Ông có thể giao dịch với khách nước ngoài cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp vì đã được Bưu điện cho đi học thêm ở Hội Việt - Mỹ. Đặc biệt, ông có cách phát âm chuẩn như người bản xứ nhờ một viên phi công người Mỹ rèn luyện.

Sau giải phóng, Bưu điện thành lập tổ viết thư thuê. Một số nhân viên đủ tuổi về hưu với 35 đồng/tháng, còn lại 7 người viết thư thuê, chia làm 3 cặp, mỗi cặp trực 2 ngày.

Khi ấy ông Ngộ là người trẻ nhất. Nhưng rồi, mọi người nghỉ hưu dần và chỉ còn một mình ông ở lại. Đến tuổi hưu của mình, ông Ngộ xin ở lại làm tư vấn viết thư thuê. Ông được Bưu điện bố trí cho một bàn làm công việc này.

Bàn làm việc của ông treo biển "Nơi chỉ dẫn và viết giúp", trên chất đầy giấy, bút mực, từ điển Anh - Pháp - Việt cùng nhiều sách địa lý về các vùng miền Việt Nam và các nước trên thế giới...

Trong 25 năm qua, hàng nghìn bức thư tình của những người yêu gửi cho nhau đã từ Bưu điện Trung tâm Sài Gòn chuyển đến tận tay người nhận ở Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ… Những lá thư ông viết hộ đã đi khắp năm châu, kết nối bao nhiêu mối tình cho những người yêu xa. Ông kể rằng, có nhiều cặp yêu nhau sau một thời gian thư từ qua lại đã đi đến hôn nhân, trong nước cũng như ngoài nước, họ dẫn nhau đến Bưu điện thành phố để thăm hỏi và cám ơn ông.

Ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Chánh Phú Hòa (Hoa viên nghĩa trang Bình Dương) - cho biết đã kính tặng cụ Dương Văn Ngộ một phần huyệt mộ trang trọng trong khuôn viên nghĩa trang, thuộc đường Nghệ sĩ, kế cận mộ phần NSƯT Vũ Linh.

Ông Dương Văn Ngộ sẽ được an táng tại nghĩa trang này vào sáng 5/8./.

(Theo Vietnamnet.vn)