Trong xã hội hiện nay, người cao tuổi ngày càng năng động và đóng vai trò quan trọng, phát huy được giá trị bản thân. Là một người từng công tác trong lĩnh vực xã hội nên công việc của ông Trương Văn Lợi phải đi rất nhiều nên khi nghỉ hưu ông không muốn phải “ngồi một chỗ”, trở thành gánh nặng cho con cháu. Chính vì thế, để tránh hụt hẫng khi môi trường thay đổi lúc nghỉ hưu ông đã tham gia vào một tổ chức xã hội chuyên tư vấn và hỗ trợ cho bà con nông dân. Những kiến thức và kinh nghiệm có được từ khi đi làm lại tiếp tục được ông phát huy khi nghỉ hưu. Những chuyến đi đến các miền quê đã giúp cho ông luôn khỏe mạnh, vui vẻ vì thấy mình còn có ích, không trở thành gánh nặng cho con cháu. Ông Trương Văn Lợi, ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, với ông chăm sóc các cháu, động viên con cháu để luôn là người có ích cho xã hội.

Không giống như ông Lợi, dù vẫn góp sức cho công tác xã hội nhưng bà Nguyễn Thị Hồng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân lại tập trung cho những chương trình hỗ trợ cho trẻ em nghèo. Bà cùng các thành viên trong hội phụ nữ tham gia các chuyến thiện nguyện đến các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ và người vô gia cư trên khắp cả nước. Với tâm niệm, mình còn sức khỏe còn cống hiến, không ngại bất cứ khó khăn nào, bà vận động quyên góp quần áo, đồ dùng học tập và cả tài chính để có thể giúp các em có hoàn cảnh khó khăn. Khi không đi thiện nguyện bà lại tập trung chăm sóc và dạy dỗ các cháu giúp các con công việc hàng ngày. Bà Hồng quan niệm, mình còn sức khỏe thì không phải dựa vào con cháu mà có thể tự mình làm mọi việc và dạy các cháu những điều hay lẽ phải, là một người con ngoan trò giỏi, trở thành người có ích cho xã hội.

Đối với bà Lê Thị Khánh Vân, dù nghỉ hưu đã lâu nhưng dường như bà còn bận hơn cả lúc đang công tác. Có sẵn hiểu biết và kinh nghiệm về kết nối doanh nghiệp nên khi nghỉ hưu bà Vân không chỉ tham gia các hoạt động của hội phụ nữ mà bà còn thành lập trung tâm kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, hợp tác sản xuất kinh doanh. Khi tham gia các hoạt động thường xuyên, bà Vân thấy cơ thể luôn khỏe mạnh, quan trọng hơn là bà cảm thấy mình vẫn còn có ích cho cuộc sống. Điều đó giúp cho những người như bà thêm tự tin và mạnh khỏe, thảnh thơi và sẵn sàng giúp đỡ con cháu, đóng góp cho xã hội. Bà Lê Thị Khánh Vân, giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và khởi nghiệp cho biết, tham gia các hoạt động này khiến cho bà cảm thấy mình luôn năng động, tự tin trong cuộc sống.

Còn ông Nguyễn Văn Cương, ở phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân lại tham gia công tác tại phường. Ông tham gia các hoạt động đảm bảo trật tự an ninh trong phường nên ít khi ở nhà. Dù không thường xuyên gặp con cháu nhưng nề nếp trong nhà vẫn được duy trì, các cháu của ông ngoài giờ học cũng tham gia các hoạt động chung ở địa phương. Ông Cương cho biết, dù tuổi cao nhưng vẫn luôn muốn đóng góp một cách ý nghĩa cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Còn với PGS-TS Đặng Trọng Lương, nguyên phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, ngay từ nhỏ, ông đã ấp ủ khát vọng làm gì đó cho người nông dân ở vùng đất Nghệ An bớt khổ. Khi lớn lên, ông quyết định học ngành nông nghiệp và theo đuổi ngành di truyền - chọn giống. Cho đến nay, những nghiên cứu của ông đã tạo nên những giống lúa cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thời tiết bất thuận trong nước. Đến tận thời điểm này, khi đã về nghỉ, PGS-TS Đặng Trọng Lương vẫn miệt mài tiếp tục nghiên cứu để chọn tạo ra những giống lúa thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay.

Tham gia các hoạt động xã hội, tiếp tục được đóng góp khiến cho người cao tuổi luôn khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất, họ luôn sống vui vẻ và an yên vì thấy rằng mình luôn có ích cho gia đình và xã hội. /.