Săn tìm đồ cũ

Khi đến nhà ông Võ Văn Xuân ở thôn Thanh Ly, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đập vào mắt tôi là lổn nhổn các món đồ xưa cũ. Mọi thứ được bày ra không giấu giếm, cũng không phải để phô trương, chỉ để khách đến quán mỳ chay của ông có thể vừa ăn vừa thưởng lãm, tìm hiểu về xuất xứ từng đồ vật, nếu thích...

Để có được số đồ cũ này, hơn 15 năm qua, ông Xuân vẫn bền bỉ một mình một “ngựa sắt” rong ruổi qua các làng xóm xứ Quảng, từ Núi Thành đến Tiên Phước, từ Điện Bàn, Đại Lộc đến Nông Sơn... tìm mua. Có người thấy ông có vẻ thích thú với chiếc hũ sành vứt lăn lóc ngoài vườn, họ tặng luôn. “Mua đồ cũ phải có duyên mới gặp. Bởi có lúc chủ nhà không chịu bán cho người này nhưng lại thích biếu cho người khác. Đó không phải là duyên thì gọi là gì? Có khi chỉ đi chơi lại gặp được “đồ độc”, nhưng nhiều lúc cất công tìm kiếm lại chẳng được gì” - ông bảo vậy. Mua được đồ cũ ông mừng đến quên hết mệt mỏi. Có thứ sứt mẻ ông cũng mua. Bởi theo ông, đồ cũ, được người xưa sử dụng nhiều năm, không còn nguyên vẹn cũng không phải chuyện lạ. Nhưng việc vận chuyển hũ, chum, đồ sành... về đến nhà không phải là chuyện dễ. Cồng kềnh khó chở, khó mang vác, có cái đã rạn chân chim, bất cẩn một chút là bể như chơi.

Ông Xuân kể, trong những lần săn lùng đồ cũ, có khi gặp một chiếc hũ mà chủ nhà không muốn bán, vì đó là kỷ vật của gia đình, từng một thời là hũ gạo tiết kiệm. Nhưng khi biết ý định của ông là bỏ công sưu tầm để người già nhìn thấy có thể hồi tưởng lại quá khứ, người trẻ có thể biết về thời xưa, chứ không mong mỏi gì hơn, vậy là họ đồng ý bán. Ông săn tìm đồ cũ chủ yếu ở khu vực nông thôn và các vựa buôn bán phế liệu. Để lắp ráp được vài chiếc xe đạp, phải cần đến hơn chục chiếc xe đạp cũ mua từ các vựa phế liệu. Mua về rồi, ông tỉ mẩn tháo, lắp hoàn chỉnh, sơn sửa và hằng ngày lau chùi cẩn thận. Ngay cả trà dùng hằng ngày ông cũng đựng trong chiếc hũ cũ. Ông bảo: “ngó rứa chớ ngon hơn trà đựng trong mấy cái hộp đèm đẹp, sang trọng đó nghe”. Ly, tách trà ông uống thường ngày cũng là đồ cũ nốt.

Lưu giữ kỷ niệm

Ông Võ Văn Xuân đã 65 tuổi, ông tiếc là nhiều lúc xương khớp đau nhức, không thể đi nhiều hơn, xa hơn để bổ sung bộ sưu tập của mình. Vả lại, những món đồ cũ mà ông thích cũng ngày càng hiếm đi. Trước đây có lúc ông mua được nhiều món đồ đến nỗi chở không hết. Bây giờ nhiều khi ròng rã từ sáng đến tối mà chẳng được gì. Tuy nhiên, cũng có người tự nguyện đem đồ cũ đến nhà tặng để làm phong phú bộ sưu tập đồ cũ của ông. Hỏi, ông có mong một ngày nào đó, số đồ cũ này sẽ trở thành “đồ cổ”, trở nên có giá hay không? Ông cười bảo: “Lớp trẻ bây giờ chỉ lo làm kinh tế, có còn mấy người quan tâm đến những thứ này đâu. Nhiều lúc ngẫm mà buồn, muốn bán quách mọi thứ cho xong. Như con cái tôi, bây giờ đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định nhưng có đứa nào mặn mà với những thứ tôi sưu tầm được”. Nói vậy thôi, chứ ông cười bảo, ước nguyện của ông là dựng được một mái nhà tranh vách đất để trưng bày toàn bộ số đồ cũ chẳng có niên đại này - những thứ đồ dân dã chưa từng được vua chúa hay các gia đình quyền quý, giàu sang sử dụng nhưng gắn bó mật thiết với nông dân, với bộ đội ta ngày trước. Rồi tại ngôi nhà đơn sơ này, ông sẽ tiếp đón khách đến thăm “bảo tàng” của mình bằng nước chè đựng trong ly tách hoặc bát cũ; nước nấu chè đựng trong lu sành được múc bằng chiếc gáo dừa.

Ông rất quý những món đồ cũ, vì nó từng là vật dụng thân thiết với mọi nhà, mọi người dân nông thôn xứ Quảng một thời. Có người đi đường, nhìn chum lọ để ngổn ngang trước nhà ông, thấy lạ, bèn ghé vào. Nhiều người xem với vẻ thích thú. Hôm chúng tôi đến, cũng vừa gặp một người săm soi mấy chiếc xe đạp cũ giàn ngang của ông và trả giá khá cao nhưng ông Xuân không bán. Với ông, việc sưu tầm những món đồ cũ có từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không ngoài mục đích nhắc nhớ con cháu về một thời đấu tranh anh dũng của cha ông; để người có tuổi hồi tưởng lại quá khứ xưa cũ. Những vật dụng vô tri, vô giác cũ kỹ nhưng không đơn thuần là vật dụng sinh hoạt hằng ngày mà nó đã tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của người xưa. Có những chiếc hũ ông sưu tầm được, chủ nhân của chúng cho biết từng là “hũ gạo tiết kiệm”, “hũ gạo nuôi quân”. Chiếc cối xay, cối giã gạo cũng là để nhắc nhớ về một thời cực khổ của người dân xứ Quảng. Chiếc bi đông từng gắn bó với người nông dân khi đi làm đồng. Bây giờ, những vật dụng ấy đang trở nên khó tìm, khó thấy...

Nguồn: Châu Nữ- Báo Quảng Nam online