Nghe chương trình tại đây:

Nỗi lòng cha mẹ khi sống với con cháu

“Ở cùng với con cái tốt thôi, có gì nó lo cho" - Bà Nguyễn Thanh Tâm luôn nghĩ như vậy nên khi con trai mời mẹ lên Hà Nội ở cùng con cháu, bà vui vẻ nhận lời. Sau 2 năm dịch bệnh, các cháu đã đến trường trở lại, giúp việc cũng không phải thuê nữa, con trai và con dâu hứa rằng “mỗi năm mẹ ở vài tháng với chúng con rồi lại về quê với họ hàng, làng xóm cho thay đổi không khí”.

"Con cái nó hiếu thảo là điều hạnh phúc, không có hiếu thì ít thôi, số đấy không phải nhiều" - Bà Tâm nói.

Được sống cùng con cháu, bà Tâm vui lên rất nhiều. Cả nhà 4 người (con trai, con dâu và 2 cháu nội) cứ 7h sáng là ra khỏi nhà, bà Tâm một mình với căn nhà chung cư tầng 8 rộng 75m2. Ưu điểm là ít gặp nhau nên cũng chẳng có va chạm gì. Chỉ khác là ở nhà của con nhưng chính bà phải giữ kẽ với con.

"Giữ kẽ là khi mình muốn tham gia ý kiến gì đó nhưng sợ con nó lại không ưng. Mình già sống khác với bọn trẻ. Ví dụ mình muốn ăn uống ở nhà cho đỡ tốn kém nhưng bọn trẻ nó lại thích ăn nhà hàng cơ" - những câu chuyện nhỏ nhặt hàng ngày, bà Tâm gói gém lại, lâu dần thành những tâm tư khó chia sẻ với chính người trong nhà.

Bà Tâm từng thấy mình lạc lõng ở bàn ăn của những nhà hàng ăn nhanh trên con phố sầm uất ở Hà Nội. Bọn trẻ vui đùa như được tham dự lễ hội, con trai và con dâu thì phải theo sát đám nhỏ, bà tập ăn gà rán, uống một ngụm nước có gas theo gợi ý của con trai. Bà muốn tự nấu ăn, cơm rau và muối vừng thôi cũng được.

Cô đơn là kẻ thù của người già. Ông Phùng Minh Hải ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng chọn sống với con cái từ khi về hưu. "Người giàu còn có tiền thuê giúp việc chứ mình thì thuê sao được" - ông Hải nói với phóng viên.

Ở tuổi 75, ông Hải không còn tham gia công tác ở phường nữa. Các cháu cũng đã lớn và không còn chờ ông nắm tay đưa đi chơi công viên. Từ khi bà mất, sự cô lẻ lại nhân lên gấp bội. Các con bận rộn với công việc, ít có thời gian trò chuyện, kết nối với bố mẹ.

"Con cháu cũng nhiều loại, xã hội phức tạp. Nhiều đứa sống đối xử với bố mẹ không ra gì… xã hội mỗi người một hoàn cảnh" - ông Hải nói khi đang đi dạo trong công viên. Ông từng phản đối ai đó muốn đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão, "chẳng gì bằng ngôi nhà thân quen của mình và những người thân". Còn giờ đây ông lại nghĩ "Có tiền thì vào viện dưỡng lão vẫn hơn".

Mong con đối xử công bằng với bố mẹ

Các chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cha mẹ luôn hết lòng vì con cái, nhưng khi họ đến tuổi xế chiều lại rất khó nhận được sự sẻ chia bầu bạn từ các con. Do vậy những người già thường nảy sinh cảm giác bị vứt bỏ, lãng quên khi ở xa con cái. Nhưng khi ở gần, cả hai hoặc ba thế hệ lại không dễ tìm được sự giao kết, người già lại tự tủi thân.

Trải qua nửa năm sống ở Hà Nội với gia đình con trai, bà Tâm tính chuyện sẽ về nhà.

"Thứ nhất là vì nhà chật đó là cái quan trọng. Thứ hai là ở riêng cũng có cái tiện là mình không ảnh hưởng đến bọn trẻ" - bà Tâm dự định sẽ nói lý do đó với gia đình con trai để về quê trước Tết dương lịch năm nay. Bà đã chuẩn bị cho mình một khoản tiền để sau này khi không thể đi lại được nữa, trông cậy vào con cháu nhưng cũng đỡ một phần gánh nặng tài chính.

Ông Hải vẫn thường đi bộ một mình ở công viên, thi thoảng nhặt vỏ kem, vỏ kẹo để bỏ vào thùng. Ngày còn trẻ ông bà vẫn thường dẫn con ra công viên chơi. Cái thời khó khăn, đến đây là một phần thưởng khi con được phiếu bé ngoan hay có thành tích nào đó. Giờ đây, chẳng có "phần thưởng" nào cả mà ngày nào ông cũng đi bộ ở công viên, vừa luyện tập sức khỏe, vừa cho đỡ buồn.

"Chỉ mong con cái đối xử công bằng với bố mẹ" - ông Hải nói với phóng viên trước khi ra cổng trả vé xe để trở về nhà.

Thật ra họ rất muốn nói với con cái, mong con có thể ở bên mình nhiều hơn, nhưng cuối cùng lại không nói ra. Vì họ thấy cho dù nói ra rồi, nhiều khi con cái cũng khó có thể đáp ứng bởi “các con cũng như mình ngày trẻ, bận học, bận làm để phấn đấu sự nghiệp” - bà Tâm nói. Vậy là họ giấu ở trong lòng.