Với không ít người cao tuổi, Đài Tiếng nói Việt Nam gần gũi, thân thiết như một người bạn, dù là thời chiến hay thời bình. Người già nghe đài không chỉ để cập nhật những thông tin mới, mà hơn hết còn được lắng nghe, chia sẻ và trải lòng để tuổi già không còn cô đơn. Chẳng biết từ khi nào, làn sóng phát thanh đã trở thành người bạn tri kỷ, luôn luôn sát cánh và đồng hành cùng các cụ trong cuộc sống.

Mỗi ngày, ông Lê Đức Tâm ở Hoàng Mai, Hà Nội dành nhiều thời gian rảnh để theo dõi các chương trình trên làn sóng phát thanh. Không chỉ quan tâm tới các chương trình thời sự, chính trị, ông Tâm còn yêu thích nội dung văn hoá, văn nghệ, giải trí được phát trên các kênh phát thanh VOV2, VOV3, VOV6 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Chương trình thời sự tôi không bỏ ngày nào. Các chương trình về người cao tuổi, về thơ ca, đàn hát chúng tôi rất thích” – ông Tâm vui vẻ cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhận xét “Phát thanh luôn luôn là người bạn gần gũi với mọi người, mọi nhà”. Câu nói ấy quả thực rất đúng với thính giả phát thanh truyền thống và cả hiện đại.

Và càng đúng hơn với những người cao tuổi như chia sẻ của bà Phạm Thu Hoa ở Cầu Giấy, Hà Nội. Bà Hoa “Các chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam rất hay, kể cả chương trình người cao tuổi hay chương trình cho thiếu nhi”.

“Nhiều chương trình rất bổ ích làm người cao tuổi chúng tôi phấn chấn lên. Tôi thường xuyên nghe các chương trình về sức khỏe, về thơ...” - bà Nguyễn Thị Bích Thanh ở quận Tây Hồ, TP. Hà Nội cho biết.

Đối tượng người cao tuổi chính là những thính giả gắn bó lâu năm nhất với làn sóng phát thanh. Dù là những năm đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh hay khi đất nước hoà bình, phát triển và hội nhập, người cao tuổi vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho Đài. Năm nay nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam với bà Đào Thị An ở Đan Phượng, Hà Nội cũng thật ý nghĩa khi bà bước sang tuổi 78. Những tiếng sóng âm vang không biết từ khi nào đã trở thành người bạn tâm giao với bà An vào mỗi sáng sớm thức giấc hay những đêm muộn thao thức trở mình.

Bà An kể “Nghe những chương trình về người cao tuổi, về cựu chiến binh trên Đài TNVN, tôi học hỏi được nhiều điều. Những tấm gương tiêu biểu là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa, phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, làm gương cho các thể hệ sau này”.

Giờ đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những bước chuyển mình vượt bậc để bắt kịp với xu thế phát thanh hiện đại trong nước và quốc tế. Giữ vững thế mạnh là phát thanh, Đài còn phát triển đa phương tiện với nhiều loại hình như báo hình, báo viết, báo điện tử… Các chương trình phát thanh không chỉ có nội dung hay, hấp dẫn, mà còn được thể hiện bằng những hình thức mới, được đăng tải trên nhiều nền tảng xã hội như facebook, youtube, tiktok, podcast… Không đứng ngoài xu thế, người cao tuổi luôn cập nhật và ủng hộ những đổi mới, cải tiến trong các chương trình phát thanh.

Bà Phạm Thu Hoa ở Cầu Giấy, Hà Nội, một thính giả quen thuộc của Đài TNVN chia sẻ “Tôi nghe đài thấy các chương trình rất phong phú, cảm ơn các phóng viên đã biên tập, thực hiện nhiều chương trình hay để cho công chúng được đọc, nghe...”

Yêu quý Đài, nên vào dịp ngày 7/9 kỷ niệm thành lập Đài hàng năm, những thính giả cao tuổi lại sáng tác những bài thơ ý nghĩa và gửi những lời chúc tốt đẹp tới đội ngũ cán bộ, công nhân viên ở Đài, những con người đang hăng say lao động, công tác để cống hiến những tác phẩm phát thanh chất lượng. Tác giả Thanh Liễu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Tràng Tiền, Hà Nội gửi gắm tình yêu Đài qua bài thơ “Yêu Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam”:

Yêu sao tiếng nói trong Đài

Vang lên ấm áp hàng ngày cho dân

Bao năm tiếng nói ân cần

Giúp người cao tuổi thấy quên tuổi già

Nào là thơ phú hát ca

Nào là sức khỏe người già thấy hay

Lắng nghe Đài phát hàng ngày

Ai yêu tin tức đắm say lòng người/Vui sao tiếng nói trong Đài

Cho ta yêu mãi tiếng Đài quê hương.

Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm cho các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt là những chương trình tuyên truyền về các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đánh giá cao nội dung tuyên truyền thiết thực, bổ ích đang được làn sóng phát thanh truyền tải và vươn xa.

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khẳng định: “Cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình tuyên truyền về người cao tuổi, lập chuyên trang, chuyên mục, tin bài về các hoạt động thăm hỏi, động viên người cao tuổi, các sự kiện người cao tuổi trong nước và quốc tế, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi. Thông qua việc truyền thông khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi để các cụ yên tâm và tiếp tục cống hiến trong xã hội”

Bên cạnh những người bạn già, người cao tuổi còn an nhàn, thư thái bên làn sóng phát thanh 78 năm qua. Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành người bạn tâm giao, nơi người cao tuổi có thể trải lòng và trút bầu tâm sự/.