Già làng Ksor Kuk ở buôn H’Muk, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là người có uy tín. Hàng tháng, già bàn với Trưởng thôn tổ chức hội nghị dân làng để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; thông tin tình hình thời sự trong nước, trong tỉnh và những quy định mới của pháp luật. Vận động người dân từ bỏ hủ tục, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Già đi tiên phong áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng trồng lúa nước mỗi năm 2 vụ, mua máy cày giải phóng sức lao động, phục vụ sản xuất. Già còn đầu tư nuôi hàng chục con bò lai, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Già bảo: “Muốn người dân nghe và làm theo thì trước hết mình phải gương mẫu, sống tốt, làm tốt. Muốn vận động người dân phát triển kinh tế thì kinh tế gia đình mình phải vững”.

Già làng Ksor Tha và vợ chồng cụ Nguyễn Khắc Tẩu lại nêu tấm gương mẫu mực vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Các cụ đều xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng mỗi năm, cải thiện đáng kể cuộc sống tuổi già, không phải sống phụ thuộc con cháu. Được tham dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp tỉnh, cụ Tẩu rất vui. Cụ hào hứng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và tuyên truyền, hỗ trợ bà con cùng vươn lên thoát nghèo. Cụ kể: Dân trong buôn đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn nếp sống cũ lạc hậu. Từ khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, cụ đã cùng Hội người cao tuổi và các già làng vận động bà con di dời gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, hiến đất để làm nhà văn hóa, làm sân bóng chuyền... Nghe lời đúng, thấy việc hay, toàn dân trong buôn, trong xã đã chung sức đồng lòng, góp công góp của đưa địa phương sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Cách đây không lâu, buôn Du, xã Chư Rcăm vốn là điểm nóng về hoạt động của tổ chức phản động “Tin lành Đê-ga”. Trong vai trò của già làng, ông Hieo Phen đã tuyên truyền và tích cực phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương nắm bắt tình hình, đi sâu đi sát để vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu. Từ năm 2015 đến nay, già Hieo Phen đã vận động được 6 trường hợp từ bỏ “Tin lành Đê-ga”, quay về làm ăn lương thiện, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Gia đình anh Ksor Rin ở buôn Chư Jút, xã Chư Gu trước đây vô cùng khó khăn, thường xuyên đứt bữa. Từ khi được già làng Rơ Com Pôk cho vay vốn không tính lãi, lại còn động viên, hướng dẫn áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, gia đình anh đã dần ổn định, vươn lên thoát nghèo. Anh chia sẻ: Rất nhiều gia đình nghèo trong buôn được già Rơ Com Pôk hỗ trợ. Già đầu tư trồng 2ha mì (sắn), 1ha lúa, chăn nuôi hơn hai chục con bò, mỗi năm trừ chi phí, thu nhập cũng hơn trăm triệu đồng. Nhiều gia đình trong làng hưởng ứng làm theo, đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Trọng Trang, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện cho biết: Trên địa bàn huyện có gần 100 già làng được công nhận là người có uy tín và là tấm gương sáng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Người cao tuổi và các già làng tiêu biểu đã phát huy rất tốt vai trò “cây cao bóng cả”, tập hợp, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng buôn làng ngày càng phát triển. Người cao tuổi trở thành lực lượng nòng cốt tích cực cùng địa phương tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19; đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; giáo dục con cháu chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật, không nghe lời kẻ xấu...

Nguồn: Ngaymoionline.com.vn