Đã bước sang tuổi 66 nhưng ông Trần Đình Khỏe, ở xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa ngơi nghỉ. Đều đặn, “tháng 30 ngày”, dù mùa đông lạnh giá hay mùa hè oi bức ông đều dậy từ sớm. Ăn sáng xong, ông lại vác quốc ra vườn. Ông chia sẻ ở tuổi này làm vườn không phải vì mục đích kinh tế. Dẫu vậy, mỗi năm ông vẫn thu về cả trăm triệu từ đất vườn với các loại cây công nghiệp và cây ăn trái. “Tôi có 20.000 nghìn mét-vuông đất, trong đó đất thổ cư là 1.800 mét-vuông. Đất thổ cư không làm nhà hết thì cũng trồng cây. Hiện trong vườn có 300 nhãn, ổi có 1.000 cây, mít gồm 200 cây các loại. Đất chạy dọc đường tôi trồng bãi chè”, ông Khỏe cho biết.

Ông Khỏe lên vùng đất Phổ Yên khai hoang từ năm 1964. Ban đầu, ông trồng cây lấy gỗ theo các chủ trương, chính sách của tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, ông chuyển sang trồng các loại cây ăn quả kết hợp với cây lấy gỗ. Chăm chỉ vun trồng nên từ những năm 80 - 90 của thế kỷ 20, ông đã có những mùa bội thu. Không vậy, cây trái của ông còn luôn bán được giá tốt bởi cách làm đầy sáng tạo. “Tôi lấy ví dụ cây ổi, tôi chuyên làm cho cây ra trái vụ để bán được giá. Để cây ra trái vụ, tôi thường cắt tỉa cành vào tầm tháng 5 đế tháng 6. Cây sẽ ra mầm, đơm hoa kết trái và cho thu hoạch vào dịp Tết. Khi đó bán sẽ được giá”, ông Khỏe chia sẻ.

Cứ như vậy, suốt những năm qua, ông Khỏe sống gắn bó với mảnh đất Phúc Tân, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với công việc chính là làm vườn. Không chỉ tạo ra của cải vật chất, ông còn là tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, năm 2012, ông hiến 1.800 mét-vuông đất để làm đường bê-tông liên thôn. Phải chặt bỏ 500 cây keo, chính quyền địa phương ngỏ ý bồi thường, ông cũng từ chối để nhường khoản tiền đó làm kinh phí mua vật liệu xây dựng. “Khi hiến đất, tôi cũng suy nghĩ rất kỹ. Đó là vì vì lợi ích, vì tương lai của con em chúng ta, trong đó có con mình, cháu mình”, ông Khỏe tâm sự.

Cũng như ông Khỏe, thay vì nghỉ ngơi, bà Phan Thị Thuận, ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vẫn chăm chỉ, miệt mài “nhả tơ” như những con tằm. Vừa bảo tồn nghề truyền thống của quê hương, làm giàu cho bản thân, bà Thuận còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các sản phẩm lụa tơ tằm và lụa tơ sen.

Nhớ lại những ngày đầu “khởi nghiệp” với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, bà Thuận cho biết đã có lúc những tưởng nghề truyền thống của quê hương bị mai một. “Năm 1984 - 1986, khi nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén thì nghề nuôi tằm rơi vào khó khăn. Các ruộng dâu bị chặt bỏ để chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề”, bà Thuận kể.

Đứng trước nguy cơ nghề của cha ông bị mai một, bà Thuận trăn trở, tìm cách duy trì bằng việc đi xin lá dâu tại những bờ rào về nuôi tằm. Thậm chí, khi biết nông trường Thanh Hà, ở tỉnh Hòa Bình trồng dâu lấy quả để làm rượu vang, còn lá thì bỏ đi, hàng ngày bà đạp xe 20 km đến xin lá về cho tằm ăn.

Để vực dậy nghề, dù đã ở tuổi “thất thập” nhưng bà Thuận vẫn không ngừng sáng tạo. Kết quả là bà đã tìm được hướng đi mới cho nghề trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa với phương pháp dệt lụa rất đặc biệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là biến những con tằm thành “thợ dệt” chuyên nghiệp thay vì chỉ đơn thuần là nhả tơ. Bằng cách này, bà Thuận vừa tiết kiệm được nhân công vừa cho ra những sản phẩm độc đáo, được người tiêu dùng ưa chuộng, sẵn sàng chi trả với giá thành cao để được sở hữu. Rồi tiếp đó, bà Thuận còn tạo ra những sản phẩm lụa được làm từ tơ sen mà đến nay chưa có cơ sở nào làm được.

Thành công đem lại cho bà Thuận nguồn thu lớn. Tuy nhiên, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất với bà có lẽ là sự trở lại của nghề dệt lụa ở xã Phùng Xá. Đó cũng là lý do bà mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho những bạn trẻ có mong muốn học và làm nghề. “Tôi dạy các cháu làm với mong muốn sau này có người tiếp nối và sẽ làm tốt hơn mình”, bà Thuận tâm sự.

Cứ như vậy, dù tuổi đã cao nhưng bà Phan Thị Thuận, ông Trần Đình Khỏe cũng như nhiều người cao tuổi trong cả nước vẫn miệt mài, lặng lẽ cống hiến. Không chỉ tạo ra của cải cho cá nhân và xã hội, các ông, các bà còn là những tấm gương sáng về tinh thần lao động, sáng tạo để thế hệ trẻ noi theo.

Nghe bài viết dưới đây