Phân tích của các chuyên gia cho thấy, ở người cao tuổi, chức năng của các bộ phận cơ thể đã suy giảm theo thời gian, hệ miễn dịch dễ dàng bị tác nhân gây bệnh tấn công, vi khuẩn dễ xâm nhập gây bệnh đường hô hấp. Do đó, khi mắc Covid-19, nhóm này có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nặng hơn những người trẻ tuổi. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, như tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp,… Khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh mạn tính có thể biến chứng nặng hơn.

Trong thời gian tới, một số ứng viên vắc xin Covid-19 của Việt Nam sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin trên người, bao gồm cả nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu sẽ tiêm thử nghiệm trước ở đối tượng ít nguy cơ (nhóm trong độ tuổi từ 18-59 tuổi). Thực tế, vắc xin phải đảm bảo tính an toàn nên các nhà nghiên cứu sẽ chọn nhóm người ít nguy cơ thử nghiệm đầu tiên. Nếu nhóm này được đảm bảo tính an toàn, nhà nghiên cứu sẽ mở rộng tiêm thử nghiệm ra đối tượng khác, trong đó có nhóm người cao tuổi.

Theo TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH, “Nếu vắc xin phòng Covid-19 không bảo vệ được nhóm người cao tuổi thì chưa phải là vắc xin toàn diện, đáp ứng tính hiệu quả bảo vệ cho con người trước đại dịch”. Hiện nay, một số nhà sản xuất vắc xin Covid-19 trên thế giới cũng đã tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin trên người cao tuổi. Kết quả cho thấy tính an toàn tương đương với kết quả khi thử nghiệm ở nhóm người ít nguy cơ.

Thống kê của Trung tâm phòng, chống dịch bệnh Hoa Kỳ, 8/10 ca tử vong do Covid-19 được báo cáo ở nước này đều là người từ 65 tuổi trở lên. Tại Việt Nam, trong số 35 ca tử vong do Covid-19 tính đến nay, đa số đều là người cao tuổi có bệnh nền.

Việt Nam đã chủ động triển khai các hoạt động về nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng như tăng cường tiếp cận các vắc xin trên thế giới. Nước ta là một trong số 92 quốc gia tham gia chương trình Covax.

Ngoài 2 nguồn cung ứng vắc xin có thể có (COVAX Facility) và nguồn vắc xin sản xuất trong nước, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác thông qua tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài.

“Song song với việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc xin Covid-19; yêu cầu các đơn vị rút ngắn toàn bộ tất cả các quy trình hành chính. Tuy nhiên, quy trình về chuyên môn, khoa học thì phải tuân thủ tuyệt đối, để đạt được mục tiêu vừa sớm có vắc xin, vừa đảm bảo được chất lượng, hiệu quả của vắc xin”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Ngoài ra, để đảm bảo kịp thời đưa vào sử dụng vắc xin Covid-19, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc xin Covid-19, mong muốn có thể sử dụng vắc xin Covid-19 cho người dân Việt Nam. Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19, gồm Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế, Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược.

(Tổng hợp từ Vietnamnet và Thanh niên)