Hiến trọn sức trẻ cho sự bình yên của tổ quốc

Như bao trai tráng trong làng, năm 1975 - khi Tổ quốc gọi tên, chàng thanh niên Phạm Hồng Tư, quê ở xã Chi Đám huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, đã không ngại gian khổ, bất chấp hiểm nguy, cầm súng lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng - bảo vệ tổ quốc. Hàng chục năm trôi qua kể từ thời khắc ấy nhưng ông vẫn nhớ như in cảm xúc sung sướng khi được mang “ba lô, cây súng trên vai”. “Năm 1975, tôi đi bộ đội. Hành quân vào phía Nam, tôi được biên chế vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Năm 1977 xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi tham gia mặt trận này”, ông Tư kể.

“Sinh ra từ Nhân dân, vì Nhân dân mà chiến đấu” là lý tưởng của anh lính Phạm Hồng Tư. Chính vì thế, tại chiến trường Tây Nam, người lính trẻ đã không ít lần “vào sinh ra tử”. Trong đó, có lần ông những tưởng sẽ không thể trở về. “Tôi là lính công binh, luôn luôn phải đi đầu trong việc gỡ bom mìn. Các đơn vị bộ binh, khi có vấn đề gì là họ gọi ngay công binh đến giải quyết. Trong đó, có một trận tôi và một số đồng đội hành quân đi mở đường để làm sở chỉ huy cho Trung đoàn thì bị địch bao vây suốt một ngày. Mãi tới khi chỉ huy của Trung đoàn không thấy nhóm chúng tôi trở về thì mới cử một trung đội bộ binh đi trinh sát, phát hiện chúng tôi bị bao vây. Sau đó, anh em chúng tôi mới được trung đội bộ binh này tìm đường đưa ra”, ông Tư nhớ lại.

Lần ấy, ông Tư và đồng đội may mắn được giải vây. Tuy nhiên, sau đó không lâu, trong một lần thực hiện nhiệm vụ đi tiền trạm cho bộ binh trong rừng, nhóm của ông vướng phải dây mìn. Mìn phát nổ khiến 5 chiến sỹ bị thương. Bản thân ông bị một mảnh vỡ găm vào sống lưng. Ông đã lịm đi. Đến khi tỉnh lại, ông thấy mình nằm trên thùng của một chiếc xe tải, đang băng qua rừng chạy về tuyến dưới với nửa người tê cứng và ánh mắt ái ngại của các y, bác sĩ. “Thời điểm tôi bị thương là năm 1979. Mảnh đạn đã được lấy ra rồi nhưng tôi bị liệt nửa người, phải di chuyển bằng xe lăn. Hội đồng Y khoa quốc gia đánh giá tôi mất 91% sức khỏe, là thương binh ¼. Năm 1981, tôi được chuyển về điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành”, ông Tư cho biết.

Lặng lẽ dâng cho đời

Bị thương ở cột sống khiến đôi chân bị liệt, ông Tư phải di chuyển bằng xe lăn. Theo quy định, ông được Nhà nước chăm lo hoàn toàn về đời sống vật chất cũng như tinh thần tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thế nhưng thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”, thay vì ngồi một chỗ và trông chờ vào sự chăm lo ấy, ông đã tạo cho mình một lối đi riêng phù hợp với khả năng và sức khỏe. “Khi còn làm nhiệm vụ ở đơn vị công binh, tôi được cử đi học một lớp về sửa chữa máy dò mìn và cũng đã từng sửa chữa được. Đến khi được nghỉ theo chế độ, rồi xây dựng gia đình, nhiều thứ phải chi tiêu, cuộc sống khó khăn thì tôi mới nghĩ cần làm thêm gì đó phù hợp với sức khỏe để có thêm thu nhập. Lúc đó, tôi mới nghĩ đến công việc sửa chữa máy dò mìn hồi xưa, nghĩ rằng các đồ điện tử nó có chung nguyên lý hoạt động nên mua sách về mày mò tự học và làm. Chính thức, tôi làm nghề sửa chữa động cơ điện từ năm 1985 đến giờ. Ban đầu chỉ sửa được các thiết bị điện cơ thôi, sau làm được cả điện tử”, ông Tư cho biết.

Mong muốn ban đầu là làm nghề để có thêm “tiền rau, dưa”. Song, việc sửa chữa điện tử đã đem lại cho ông Tư thu nhập đáng kể. Chính ông cũng không ngờ tới. “Khi đó, tiền chế độ cho thương binh, bệnh binh chúng tôi chỉ được khoảng 40 đồng. Còn thu nhập từ việc sửa chữa đồ điện của tôi có khi gấp đôi, gấp ba lần so với tiền chế độ thương binh, bệnh binh, vì tôi làm mọi việc sửa quạt đến máy bơm nước, tôi làm hết, làm ngày làm đêm. Ngày đấy, có những món đồ khi sửa chữa chỉ kiếm được 5-7 đồng thôi nhưng cộng lại trong suốt một tháng thì thu nhập vẫn rất cao”, ông Tư nhớ lại.

Là người chăm lo “bữa cơm” cho gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Phương - người bạn đời của ông Tư, nắm rất rõ các khoản thu - chi trong gia đình. Bà cho biết khi đó việc sửa chữa điện tử được ví như nghề hái ra tiền. Dẫu vậy, ông Tư không giữ nghề cho riêng mình. “Ngày xưa cuộc sống khó khăn nên nhà tôi mày mò tự học để làm nghề sửa chữa đồ điện. Khi tay nghề nâng lên, có thu nhập tốt nhưng ông vẫn sẵn sàng dạy nghề, truyền nghề cho một số anh em, bà con hàng xóm có nhu cầu học”, bà Phương kể.

Anh Nguyễn Văn Cường, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng thừa nhận trước đây người làm nghề sửa chữa điện tử có thu nhập tốt và anh là người may mắn được ông Tư dạy nghề từ rất sớm. Với sự chỉ dạy tận tình, anh đã nhanh chóng thành nghề, mở cửa hàng sửa chữa đồ điện từ đó đến nay. “Bác Tư là người dắt tôi vào nghề. Tôi học ở bác cả sự cần cù, chịu khó và không ngừng học hỏi nên khi học xong tôi phát triển được nghề nghiệp. Đến giờ, thi thoảng tôi vẫn vào chơi với bác và nói chuyện về nghề sửa chữa điện tử”, anh Cường chia sẻ.

Cứ như vậy, suốt nhiều năm nay, dù sức khỏe kém, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng thương binh Phạm Hồng Tư vẫn miệt mài cống hiến. Thay vì ngồi chơi, trông chờ vào sự chăm lo của Nhà nước, hàng ngày ông vừa trực tiếp thực hiện việc sửa chữa đồ điện tử để có thêm thu nhập và sẵn sàng dạy nghề cho những bạn trẻ có nhu cầu. “Tuổi cao, sức khỏe kém hơn trước nhưng nếu có người muốn học thì tôi vẫn dạy, giúp được ai cái gì tôi sẵn sàng giúp. Vì thực tế, nếu mình nằm chơi cả ngày cũng buồn. Khi mình dạy nghề, làm nghề, người ta đến sửa chữa, có chuyện để nói thì cuộc sống vui hơn”, ông Tư chia sẻ.

Có thể nói thương binh, bệnh binh là những người có lòng yêu nước nồng nàn. Trong thời chiến, lòng yêu nước được thể hiện qua tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, thì trong thời bình điều này bộc lộ qua tinh thần lao động, cống hiến.

Nghe bài viết dưới đây: