Theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở, có 8 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, cụ thể là: Người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; Học sinh, sinh viên; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Được triển khai những năm trước đây để kích cầu nhà ở xã hội, gói vay tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng được xem là một trong những chính sách tích cực được Chính phủ đưa ra. Theo đánh giá thì gói vay tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng được xem là 1 trong những điểm sáng chính sách trong giai đoạn vừa qua, đạt được mục tiêu kép là thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội đồng thời là động lực kéo thị trường BĐS thoát khỏi giai đoạn trầm lắng. Theo số liệu thống kê của ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2016, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (bắt đầu giải ngân từ 01/6/2013) đã cam kết cho vay 29.679 tỷ đồng và đã giải ngân được 95% số tiền cam kết cho vay từ nguồn tái cấp vốn. Gần 53.000 cá nhân, hộ gia đình đã được vay vốn để cải thiện nhà ở. Đến hết ngày 28/2/2018, dư nợ cho vay theo chương trình là 20.095 tỷ đồng (đã trả các khoản vay gần 10.000 tỷ đồng), như vậy có thể thấy các đối tượng khách hàng của gói vay này trả nợ rất tốt. Tuy nhiên, gói vay này cũng được cho là chưa thật sự phát huy tác dụng vì điều kiện xét duyệt cho vay còn khá ngặt nghèo.

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay tiền mua nhà được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trên thực tế việc triển khai các quy định về nguồn vốn cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội hiện gặp rất nhiều vướng mắc. Ngân sách bố trí cho vay phát triển nhà ở xã hội rất hạn chế. Giai đoạn 2018-2020 mới chỉ bố trí được 2.163 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng dự kiến, đạt khoảng 24% so với nhu cầu thực tế. Thủ tục hành chính về đăng ký vay vốn ưu đãi còn một số bất cập, vướng mắc trong việc xác nhận giấy tờ chứng minh đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, v.v...

Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo hướng: cơ bản giữ nguyên các chính sách ưu đãi tín dụng đối với người dân chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về mức cho vay vốn ưu đãi để xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa nhà ở; quy định cụ thể hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách về Nhà ở xã hội để người dân dễ dàng thực hiện hơn, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính…

Mời quý vị và các bạn nghe ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng giải đáp, tư vấn các thắc mắc, băn khoăn cụ thể của thính giả về chính sách và những đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.