Nỗi đau từ những cuộc bạo hành

Chị Nguyễn Thị Thanh ở tỉnh Hà Nam đã kết hôn 17 năm. Những năm đầu, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, nhưng kể từ năm thứ 7 trở đi, chồng “thay tính, đổi nết”, chị trở thành vật trút giận mỗi lần anh gặp chuyện không hay ngoài xã hội. Những trận đòn trút xuống chị ngày một nhiều với mức độ ngày càng dã man “Ban đầu, chỉ vài cái tát, sau là đấm đá. Mấy năm gần đây thì đánh rất thậm tệ, toàn đánh vào đầu, trước khi đánh toàn đóng cửa đóng cổng lại, con cái toàn đuổi hết đi, muốn chạy cũng không chạy được…” - Chị Thanh tâm sự.

Cũng chịu cảnh bị bạo hành như chị Thanh, chị Khánh ở Ninh Bình nhiều năm nay cũng phải sống chung với người chồng tệ bạc. Ngoài giờ làm việc, chồng chị lại tìm tới các chiếu bạc để “giải khuây”. Không chỉ có vậy, mỗi khi chồng thua bạc, chồng lại đổ hết lên đầu vợ: “Chồng làm được bao nhiêu, gia đình có bao nhiêu tiền đều vơ vét hết để ném vào cờ bạc, về nhà lại đánh vợ con. Nợ nần nhiều mà chẳng dám kêu với ai….” - Chị Khánh cho biết.

Lời kể của một số nạn nhân bị chồng bạo hành:

Hình phạt đối với kẻ bạo hành gia đình

Luật sư Nguyễn Hữu Toại – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Kẻ gây ra bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”

Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự với người có hành vi bạo lực gia đình

Tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra, đánh đập vợ con được xem là hành vi cố ý gây thương tích. Vậy nên, chủ thể vi phạm hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nạn nhân bị bạo lực gia đình phải làm gì?

Theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì người bị bạo lực gia đình có quyền như sau:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

- Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

- Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

- Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.

- Khi gặp tình trạng bạo lực gia đình, phụ nữ hoặc người chứng kiến hành vi cần phải kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực và thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cụ thể là cơ quan Công an nhân dân xã, phường hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường để chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, nếu muốn được tư vấn pháp lý về hành vi bạo hành gia đình, các quyền của người bị bạo hành thì các tổng đài tư vấn pháp luật như 1800.1768 cũng là một nơi để hỗ trợ tốt nhất cho những nạn nhân bị bạo hành gia đình.

Mời quý vị và các bạn nghe tư vấn cụ thể của luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông tại đây: