Tai nạn lao động (TNLĐ) là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Còn bệnh nghề nghiệp (BNN) là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Ngày 15/9/2020, Nghị định 88/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định chi ratiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc. Nghị định này điều chỉnh về chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động (NLĐ) giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; NLĐ phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN, hoạt động hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý Quỹ; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.

Đối tượng áp dụng của Nghị định 88/2020/NĐ-CP bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang, công nhân quốc phòng, công an; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Đối tượng áp dụng không bao gồm NLĐ là người giúp việc gia đình; người sử dụng lao động, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng lương; tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Theo ông Nguyễn Khánh Long - Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động đã mở ra rất nhiều chính sách về bảo hiểm TNLĐ, BNN để hỗ trợ NLĐ. Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của cộng đồng, doanh nghiệp và NLĐ. Số lượng NLĐ tham gia vào Quỹ này ngày càng tăng (khoảng trên 15 triệu người); nguồn thu của Quỹ khá lớn, cất dư của Quỹ rất ổn và đó là điều kiện giúp cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ được triển khai tốt hơn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19. Nghị định 88/2020/NĐ-CP tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ; tháo gỡ thủ tục, quy định hành chính còn vướng mắc; người được hưởng và tiếp cận chính sách cũng thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Để hiểu rõ hơn về Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, mời quý vị và các bạn cùng nghe chương trình: