Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Hệ thống ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo các chỉ số tài chính an toàn, lành mạnh. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Chính phủ. Ở Việt nam, năm 2012, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi. Sau đó, các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành có liên quan ban hành đã tạo một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để bảo vệ người gửi tiền.
Luật BHTG tại Việt Nam quy định: BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Theo Hiệp hội BHTG Quốc tế, BHTG được hiểu là “một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền”.
Như vậy, có thể hiểu BHTG là một cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động.
Mục tiêu của chính sách bảo hiểm tiền gửi?
Tại mỗi quốc gia, chính sách BHTG được xây dựng nhằm hướng đến một hoặc nhiều mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể trong mỗi thời kỳ. Tuy vậy, có thể phân chia mục tiêu của chính sách BHTG thành 2 nhóm chính gồm:
Thứ nhất: Bảo vệ người gửi tiền, đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi.
Thứ hai: Góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng. Chính sách BHTG được sử dụng với mục đích tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính.
Tại Việt Nam, cơ chế BHTG chính thức được triển khai cuối năm 1999 bằng việc Chính phủ ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 về BHTG và Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 09/11/1999 về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - tổ chức tài chính Nhà nước được giao thực hiện chính sách BHTG. Từ ngày 07/07/2000, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - chính thức đi vào hoạt động, với tôn chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng (TCTD) và sự phát triển an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng
Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 110 triệu lượt người gửi tiền tại 1.278 tổ chức tham gia BHTG. Các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền bao gồm:
- Theo dõi, kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý hành vi vi phạm;
- Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
- Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN;
- Tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ;
- Cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quy định của NHNN và cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được phê duyệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ;
- Khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của pháp luật;
- Tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD./.