Mời các bạn nghe trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường tại đây:
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê - Bộ Tài chính, tiền gửi ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng mạnh khi thu hút thêm 900.125 tỉ đồng tiền gửi từ tổ chức và cá nhân. Trong đó, Quý 1 chỉ tăng hơn 200.000 tỉ đồng, còn lại hơn 700.000 tỉ đồng đổ vào trong Quý 2. Tính bình quân, mỗi ngày có khoảng 7.800 tỉ đồng tiền gửi mới vào ngân hàng, tăng mạnh so với mức 2.200 tỉ đồng/ngày trước đó.
Yếu tố tạo nên sự an tâm lớn nhất khi gửi tiền tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng (TCTD) là việc khoản tiền gửi sẽ được đảm bảo nếu chẳng may ngân hàng hoặc các TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) chi trả.
Tính đến 30/6/2025, với tổng nguồn vốn đạt gần 135 nghìn tỷ đồng và quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 128 nghìn tỷ đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ cho trên 123 triệu lượt người gửi tiền tại 1.277 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.176 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.
Bảo hiểm tiền gửi là một chính sách công của Chính phủ nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng. Ở Việt Nam, cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi chính sách bảo hiểm tiền gửi là Bảo hiêm tiền gửi Việt Nam.
BHTGVN không chỉ “đợi đến khi có sự cố mới can thiệp”, mà liên tục theo dõi “sức khỏe” tài chính của các tổ chức tham gia BHTG thông qua các nghiệp vụ BHTG như: giám sát, kiểm tra định kỳ các tổ chức tham gia BHTG, kiểm tra chuyên sâu theo yêu cầu của NHNN… để đảm bảo rằng các tổ chức này luôn hoạt động an toàn, lành mạnh. Nếu thấy có dấu hiệu bất ổn, BHTGVN sẽ báo cáo NHNN để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mô hình hoạt động và chức năng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, BHTGVN được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi.
Theo Quyết định 527/QĐ-TTg ngày 01/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đây là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với BHTGVN theo quy định tại Luật BHTG, Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG và các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Về chức năng, Điều 2, Quyết định số 1394/QĐ-TTg ban hành ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định: BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Theo quy định tại Điều 9 Quyết định 1395/QĐ-TTg ban hành ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định Điều lệ về tổ chức hoạt động của BHTGVN, BHTGVN có các nhiệm vụ và quyền hạn mà người gửi tiền và TCTD nên quan tâm như sau:
- Xây dựng chiến lược phát triển BHTG để NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Kiến nghị, đề xuất với NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách về BHTG; ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động BHTG.
- Cấp, cấp lại và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG.
- Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm theo định kỳ hay đột xuất.
- Cung cấp thông tin cho NHNN và tiếp cận thông tin của NHNN.
- Tính và thu phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật BHTG và các văn bản pháp luật liên quan.
- Quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn BHTG.
- Chi trả và ủy quyền chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của Luật BHTG và các văn bản pháp luật liên quan.
- Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG.
- Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.
- Bảo đảm bí mật số liệu tiền gửi và tài liệu liên quan đến BHTG của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật.
- Tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động.
- Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ.
- Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về BHTG.
- Thực hiện các cam kết đối với tổ chức tham gia BHTG và các cam kết khác thuộc trách nhiệm của BHTGVN... Và một số nhiệm vụ, quyền hạn khác.
"Mục tiêu lớn nhất mà người có tài sản là tiền hướng tới, không chỉ là sinh lời mà còn cả sự an toàn - an tâm nên đã chọn gửi tiền tại ngân hàng hoặc các TCTD. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã mang tới sự an toàn và an tâm này" - Luật sư Đặng Văn Cường đánh giá.
Khi một TCTD lâm vào khó khăn hay khủng hoảng, BHTGVN có thể tham gia vào quá trình tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính hoặc thanh lý tài sản dưới sự chỉ đạo của NHNN. Việc này giúp ổn định hệ thống và bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền.
Nếu một TCTD phá sản hoặc mất khả năng chi trả, BHTGVN sẽ nhanh chóng xác minh và lập danh sách chi trả cho người gửi tiền. Quá trình này được thực hiện công khai, minh bạch và theo đúng trình tự pháp luật. Nhiều người dân ở các vùng nông thôn đã từng được bảo hiểm chi trả sau khi quỹ tín dụng nhân dân gặp sự cố.