So với Bộ luật Lao động năm 2012 thì Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) có thêm nhiều quy định mới về kỷ luật lao động. Sau hơn một năm áp dụng, bà Đào Thị Huyền, Trưởng phòng Chính sách Lao động, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: "Về cơ bản, các quy định của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đã cụ thể, rõ ràng, bảo vệ người lao động, tạo môi trường làm việc an toàn hơn, hạn chế được quấy rối tình dục; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, đăng ký nội quy lao động, xử lý kỷ luật lao động khi doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, địa điểm sản xuất kinh doanh, xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động khi có các hành vi vi phạm nghiêm trọng mà chưa đăng ký được nội quy lao động."

Theo bà Đào Thị Huyền, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên. Thời hạn tạm đình chỉ không được quá 15 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Nếu người lao động bị xử lý kỷ luật lao động sẽ không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. Nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Tuy nhiên, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian:

- Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

- Đang bị tạm giữ, tạm giam;

- Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;

- Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Để hiểu hơn về các quy định xử lý kỷ luật với người lao động, mời quý vị và các bạn nghe phần tư vấn cụ thể của bà Đào Thị Huyền - Trưởng phòng Chính sách Lao động, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: