Để triển khai việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1367/QĐ-NHNN ngày 26/8/2021 về việc thành lập Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và Kế hoạch nghiên cứu, rà soát, lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG kèm theo Quyết định số 127/QĐNHNN ngày 28/01/2022. Trên cơ sở thực tiễn, qua nghiên cứu, thảo luận các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG bước đầu dự kiến gồm 05 chính sách cụ thể như sau:
Thứ nhất: Hoàn thiện quy định về phí BHTG;
Thứ hai: Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG;
Thứ ba: Bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG;
Thứ tư: Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam;
Thứ năm: Hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 được ban hành và có hiệu lực từ 01/07/2024 đã giao cho BHTGVN nhiều chức năng, nhiệm vụ mới, tác động lớn đến một số nội dung trong 05 chính sách đề xuất dự kiến trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nêu trên.
Theo đó, trên cơ sở Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, các nội dung cần được nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG bao gồm:
* Về phí bảo hiểm tiền gửi
Luật Các TCTD năm 2024 quy định BHTGVN xây dựng phương án tăng phí BHTG để bù đắp phần vay đặc biệt NHNN trong trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN không đủ để chi trả cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt. Nội dung này cần được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG do có tác động trực tiếp tới hoạt động của tổ chức tham gia BHTG.
* Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm
Luật Các TCTD năm 2024 quy định BHTGVN phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chi trả BHTG cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt. Do vậy, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cụ thể, rõ ràng, thống nhất với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, để có sơ sở triển khai trong thực tế.
* Về hạn mức trả tiền bảo hiểm
Theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, số tiền tối đa tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định, trong từng trường hợp cụ thể BHTGVN tham gia đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại TCTD.Do đó, để bảo vệ kịp thời quyền lợi của người gửi tiền, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG về hạn mức trả tiền bảo hiểm để đảm bảo đồng bộ với Luật Các TCTD năm 2024, phù hợp điều kiện thực tế, thông lệ quốc tế và năng lực tài chính của BHTGVN.
* Về một số nhiệm vụ của BHTGVN
Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định về các nhiệm vụ của BHTGVN khi tham gia vào quá trình can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt TCTD. Để BHTGVN có cơ sở thực thi nhiệm vụ, nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG cần được bổ sung các quy định về quyền hạn của tổ chức BHTG như: tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của quỹ tính dụng nhân dân; cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo quy định của pháp luật về BHTG; mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại theo quyết định của NHNN; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, phối hợp với TCTD để chi trả BHTG cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vay đặc biệt NHNN trong trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN không đủ để chi trả cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt; sử dụng tiền trả nợ vay đặc biệt của TCTD, nguồn thu từ bán giấy tờ có giá do BHTGVN nắm giữ, từ thanh lý tài sản của TCTD vay đặc biệt, phí BHTG để ưu tiền hoàn trả nợ vay đặc biệt cho NHNN. Những quy định này đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung Luật BHTG cho phù hợp.