Năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, gia súc chết hàng loạt chưa vực lại được, lại thêm mấy năm Covid-19 hoành hành, mô hình chăn nuôi của gia đình anh Phạm Văn Q. ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kinh tế của gia đình lụn bại, nhu cầu vốn để mở rộng chăn nuôi đối với gia đình anh thời điểm này rất lớn. Đang loay hoay chưa biết tìm cách nào thì đột nhiên anh nhận được tin nhắn của một người với danh nghĩa là cán bộ của quỹ Tín dụng nhân dân. Được lời như cởi tấm lòng, đang chết đuối lại vớ được cọc, anh Q. cũng răm rắp làm theo chỉ dẫn:

"Họ bảo làm một loạt giấy tờ, chụp chứng minh cho họ, họ còn gửi cả mẫu đơn xin vay, gia đình cũng làm cả rồi, xong thì họ bảo phải nộp một khoản phí, tùy số tiền cần vay thì số phí khác nhau nhưng ít nhất là 5-7 triệu gì đó".

Điều đáng ngờ ở đây là vị cán bộ tín dụng tự xưng ấy lại không ra mặt gặp gỡ đối tượng vay vốn mà lại chỉ liên hệ qua Zalo và điện thoại.

Cũng với cách thức hoàn toàn giống như vậy, chị Bùi Thị Nhàn cũng nhận được lời mời gọi hỗ trợ cho vay vốn mà thủ tục cũng chỉ là những tin nhắn, giấy tờ trao đi đổi lại mời khách hàng cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội Zalo. Chị Nhàn kể:

"Sau khi thủ tục xong xuôi họ bảo tôi chuyển trước khoản phí thì họ mới cho vay, tôi cũng không có tiền và cũng thấy có điều đáng ngờ nên tôi chưa chuyển".

Số tiền dăm ba triệu mà họ gọi là chi phí ban đầu không phải là lớn, nhiều người dân do khát vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nên sẵn sàng bỏ ra để đạt được mong muốn của mình. Do đó số tiền mà những kẻ lừa đảo nhận được cũng không phải là ít. Thế nhưng, thực tế Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân có cho người dân vay vốn hay không? Chúng tôi đã liên hệ với Hiệp hội để tìm hiểu và được bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó tổng thư ký Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam cho biết:

"Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp nên KHÔNG CÓ CHỨC NĂNG CHO VAY VỐN. Đặc biệt, QTDND Trung ương hiện nay đã chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 2013. Ngân hàng HTX Việt Nam không bao giờ gửi đường link, tin nhắn bằng bất kỳ hình thức nào hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin như trên (nếu có) đều là giả mạo".

Không giống như các ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động với nguyên tắc và điều lệ riêng nên không phải cá nhân hay tập thể nào có nhu cầu cũng được vay vốn mà để được vay vốn tại quỹ thì người dân cần phải là thành viên của quỹ. Trước thực trạng mà người dân phản ánh, bà Nguyễn Thị Kim Thanh khuyến cáo:

"Khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền đồng thời lựa chọn các tổ chức tín dụng uy tín để tránh bị “mắc bẫy” vào hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao ẩn danh dưới hình thức cho vay trực tuyến với lãi suất hấp dẫn".

Tỉnh táo, sáng suốt trước những bẫy lừa đảo sẽ giúp người dân bảo vệ được bản thân và gia đình mình.