Thời gian qua, tình trạng bắt cóc, đặc biệt là bắt cóc trẻ em tại một số địa phương đang xảy ra theo chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức táo tợn, liều lĩnh với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Có nhiều người bị bắt cóc để tống tiền, có người bị bắt cóc để bán sang nước ngoài.

Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết: " Quyền con người, quyền công dân, quyền tự do, dân chủ, quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe là một trong những quyền cơ bản của con người và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy tội bắt, giữ người hoặc giam người trái pháp luật hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội bắt cóc con tin…là những hành vi xâm phạm đến quyền con người bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị nghiêm khắc nếu vi phạm. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169, luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo Điều 169 BLHS, người phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản phải có đồng thời hai hành vi: bắt cóc con tin và đe dọa chủ tài sản để chiếm đoạt tại sản. Hành vi bắt cóc là hành vi bắt giữ người trái phép. Người bị bắt giữ có thể là trẻ em hoặc là người lớn có quan hệ tình cảm thân thiết với chủ tài sản. Hành vi bắt cóc được thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu việc bắt cóc không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm vào một mục đích khác thì hành vi bắt cóc không cấu thành tội này.

Ví dụ, nếu sự việc chỉ dừng lại ở việc bắt giữ con gái của A mà không có hành vi đòi tiền chuộc của B thì không cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà có thể là hành vi khách quan của tội bắt, giam, giữ người trái pháp luật. Để đạt được mục đích chiếm đoạt người phạm tội có hành vi tiếp theo hành vi bắt cóc con tin là hành vi đe dọa người thân của con tin. Hành vi đe dọa ở đây là hành vi đe dọa dùng vũ lực nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con tin trong trường hợp người đe dọa không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Với sự đe dọa này, người phạm tội có thể tạo ra tâm lý lo sợ cho người bị đe dọa, buộc họ phải thỏa mãn yêu cầu giao nộp tài sản nếu muốn tính mạng, sức khỏe của con tin được an toàn.

Hành vi của tội phạm đồng thời xâm phạm đến quyền tự do thân thể của “con tin”, đồng thời qua đó xâm phạm đến sự tự do ý chí và quyền sở hữu tài sản. Người phạm tội là bất kể người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của pháp luật (từ 16 tuổi trở lên). Tuy nhiên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội này có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu gây hậu quả không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Hành vi của người phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý, bởi mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi là nhằm buộc chủ tài sản phải giao nộp tài sản và chiếm đoạt tài sản đó. Khung hình phạt cơ bản đối với tội bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, còn có hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; tịch thu tài sản, quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 đến 05 năm.

Ngày nay, trong cuộc sống lại có rất nhiều những vụ án cha mẹ sẵn sàng mang những đứa con mà mình đứt ruột sinh ra đem bán để phục vụ cho mục đích cá nhân. Đối với hành vi này thì ngoài những hình phạt chính như trên thì còn bị áp dụng các hình phạt tăng nặng vì nạn nhân chính là con đẻ của mình. Đồng thời cũng là hành vi đáng lên án trong xã hội. Người phạm tội sẽ không chỉ chịu trách nhiệm về thể xác mà còn phải chịu trách nhiệm rất lớn về tinh thần đối với việc đã gây ra cho con của mình. Tòa án lương tâm sẽ còn đeo đẳng và trừng phạt đích đáng những bậc làm cha làm mẹ không làm tròn trách nhiệm mà lại có những hành động vô nhân tính như vậy./.

Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình với Luật sư Diệp Năng Bình - Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật