Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Với trọng trách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng mà Đảng, Nhà nước phân công trong đó có cương vị là Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất gắn bó với Quốc hội, hiểu rõ về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật, 68 nghị quyết; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành 31 pháp lệnh, đưa số lượng văn bản pháp luật được thông qua trong nhiệm kỳ tăng lên rất nhiều so với trước đây.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, dưới sự dẫn dắt chỉ đạo của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã thông qua 67 luật, 13 nghị quyết; Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 14 pháp lệnh và 9 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Trong số đó có nhiều luật tạo cơ sở, nền tảng cho việc xử lý tham nhũng, tiêu cực sau này như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật thi hành án dân sự; Luật Đặc xá, Luật quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước... Quy trình lập pháp tiếp tục được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, dân chủ, cụ thể trong văn bản pháp luật.
Tổng Bí thư luôn nhắc nhở các đại biểu phải dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của Quốc hội, phải có kiến thức chuyên sâu, có sự am hiểu sâu sắc về Quốc hội để có những ý kiến đóng góp, phản biện sắc sảo. “Đồng chí căn dặn: Học dân, học thực tiễn, chính sách, pháp luật ban hành đừng xa rời cuộc sống. Đại biểu Quốc hội phải đập nhịp đập của cuộc sống, của trái tim nhân dân thì nhất định hoạt động Quốc hội sẽ sinh động và sẽ hiệu quả…”- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Với các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư luôn nhắc nhở: Dù ở cương vị công tác nào cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó. Ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội khóa XI-XII nhớ mãi những phiên họp mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều hành: Trong vai trò Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tạo không khí sôi nổi, nâng cao chất lượng các phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội, nói lên tiếng nói của người dân.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn Đồng Tháp bày tỏ: Đồng chí Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp để lại dấu ấn quan trọng, đặc biệt trong việc cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, chú trọng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng. “Sở dĩ hiện nay, Quốc hội đã có những đổi mới trong công tác lập pháp, đổi mới trong hoạt động ban hành Nghị Quyết, đổi mới trong quy chế làm việc của Quốc hội là có dấu ấn quan trọng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn chú trọng đến việc đưa giá trị pháp quyền vào thực tiễn cuộc sống, yêu cầu người đứng đầu phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa, phải liêm chính, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục cải cách tư pháp, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, liêm chính, chí công vô tư. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phòng, chống hiệu quả tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Khẳng định, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhằm quản trị toàn diện đất nước theo pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân; người dân được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII bày tỏ: Phát triển thể chế và nguồn lực là 2 vấn đề cốt lõi đưa đất nước phát triển. Bám sát vấn đề này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao nhằm không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội như: Đẩy mạnh hoạt động lập pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là tăng cường giám sát chuyên đề, chất vấn, giải trình và giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng theo hướng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân./.