Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 quy định 5 khung hình phạt đối với người phạm tội cướp tài sản. Trong đó, người chuẩn bị phạm tội cũng có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 1-5 năm tù. Nếu hành vi phạm tội hoàn thành, người phạm tội không có tình tiết tăng nặng khung hình phạt thì mức phạt cao nhất là 10 năm tù. Trong các trường hợp phạm tội có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội sẽ căn cứ vào mức độ, tính chất hành vi, số tài sản chiếm đoạt được, hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân do hành vi phạm tội gây ra. Nếu gây hậu quả chết người, mức phạt cao nhất áp dụng đối với người phạm tội là tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội cướp tài sản còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu - 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

# Mới đây, một đối tượng sử dụng súng AK bất ngờ xông vào tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi (tại khu vực chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế), nổ súng chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm vàng rồi cướp 2 khay vàng; sau đó đối tượng đem số vàng này vứt ra trước cửa tiệm rồi đi bộ đến khu vực cầu Gia Hội. Đối tượng này đã bị bắt sau đó vài giờ đồng hồ.

# Trước đó, khoảng 13h25 ngày 22/7, một người đàn ông mặc quần lửng, áo khoác sơ mi màu trắng, đội mũ bảo hiểm đi vào cửa hàng điện thoại trên đường Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân và rút dao đe dọa 2 nhân viên cửa hàng. Sau đó, mở két lấy khoảng 7 triệu đồng rồi nhanh chóng chạy ra xe máy đậu sẵn cách đó vài chục mét, tẩu thoát. Công an phường Bình Trị Đông A phối hợp với Công an quận Bình Tân khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai cũng như trích xuất hình ảnh từ camera để điều tra, truy xét, bắt được nghi phạm trong vụ cướp.

# Đêm 18/7, một tài xế taxi chở 2 thanh niên từ quận Bình Tân đến ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn. Trên đường đi, tài xế taxi bất ngờ bị người ngồi sau dùng tay túm tóc giật ngược vào thành ghế, tay còn lại kề dao vào cổ uy hiếp. Trong lúc tài xế giằng co với đối tượng, nghi phạm còn lại mở cửa bên ghế phụ, cướp 2 điện thoại di động rồi cùng đồng phạm bỏ chạy. Sau khi bị truy đuổi, một đối tượng lao xuống sông trốn nhưng đã chết đuối. Đối tượng còn lại đã bị bắt sau 11 ngày điều tra.

"Giá trị tài sản bị cướp là một trong những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với tội cướp tài sản. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng theo quy định tại Điều 168 BLHS, đây là tội có cấu thành tội phạm hình thức, tức là tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc hành vi khác khiến cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự, nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy không cần cướp được tài sản hoặc tài sản có giá trị như thế nào mà chỉ cần có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực là đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 10 năm.

Trong trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt được do hành vi phạm tội từ 50 triệu đồng trở lên, có đủ căn cứ để áp dụng tình tiết tăng nặng thuộc khoản 2 Điều này, khi đó khung hình phạt áp dụng cho người phạm tội cao nhất tăng lên 15 năm tù. Nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 triệu đồng trở lên, mức phạt tù tăng lên cao nhất đến 20 năm, còn nếu chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, mức phạt cao nhất có thể áp dụng với người phạm tội là tù chung thân." - Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội phân tích.

Trong các vụ án hình sự nói chung và các vụ án liên quan đến cướp tài sản nói riêng, cơ quan điều tra sẽ tiến hành định giá tài sản là đối tượng của tội phạm, làm căn cứ để xem xét tội danh cũng như mức độ nghiêm trọng của tội phạm, qua đó ra kết luận điều tra cũng như quyết định khởi tố. Hiện nay, thủ tục định giá tài sản trong lĩnh vực này được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Cụ thể như sau: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành định giá tài sản là Hội đồng định giá tài sản được thành lập theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thường là cơ quan điều tra đang đảm nhận vụ việc. Hội đồng định giá gồm các thành viên đang công tác tại cơ quan chuyên môn về tài chính tại địa phương và đại diện cơ quan, tổ chức liên quan trực tiếp đến tài sản được định giá. Sau khi được thành lập, Hội đồng sẽ tiến hành định giá tài sản là đối tượng của vụ án theo các căn cứ và phương pháp được quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP cũng như các quy định chuyên sâu về định giá, sau đó ra kết luận định giá tài sản, tài liệu này sẽ được gửi cho cơ quan điều tra, làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ phần trao đổi của phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội: