Công ty Cổ phần công nghệ An Vui-một doanh nghiệp cung cấp cấp nền tảng quản lý cho nhà xe khách liên tỉnh. Nói cụ thể, An Vui đưa ra các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vận tải như Website, phần mềm bán vé, App cho lái phụ xe, App cho hành khách đặt vé, quản lý nhà xe... Tuy nhiên như khẳng định của ông Phan Bá Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ An Vui, trước khi hỗ trợ cho các đối tác thì bản thân doanh nghiệp cũng thực hiện triệt để chuyển đổi số.
"Từ vấn đề công nợ, tiếp cận khách hàng, maketing, chăm sóc khách hàng… mọi hoạt động đều được An Vui triển khai trên một nền tảng quản trị chung để đảm bảo mọi yêu cầu của khách hàng được gửi đến, mọi vấn đề của kỹ thuật, kinh doanh đều được liên thông với nhau. Người quản trị chỉ cần nhìn trên hệ thống có thể thấy vấn đề của An Vui đang nằm ở đâu? Có bao nhiêu khách hàng đang phàn nàn? Doanh thu, chi phí chúng tôi có thể đo lường được, từ đó đưa ra các quyết định hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng", ông Phan Bá Mạnh chia sẻ.
Đặc biệt, theo ông Phan Bá Mạnh đến nay An Vui thực hiện triệt để chuyển đổi số trong báo cáo thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số.
"Hiện An Vui Thực hiện triệt để hóa đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, thậm chí chúng tôi thu tiền của khách hàng, chúng tôi cũng không dùng khái niệm về chuyển khoản nữa mà tất cả thanh toán qua QR và tự động xuất hóa đơn", ông Mạnh nói.
Chuyển đổi số tại doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý thuế không chỉ dừng lại ở nhu cầu tự thân, mà trở thành một đòi hỏi bắt buộc của pháp luật.
Cụ thể, theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế gắn liền với việc mua sắm, sử dụng, khai thác các phần mềm và thiết bị công nghệ, như phần mềm kế toán chuyên dụng, phần mềm hóa đơn điện tử, chữ ký số…
Luật sư Hà Huy Phong cho biết: "Hiện nay cơ quan quản lý thuế đã triển khai 100% hóa đơn điện tử và không dùng hóa đơn giấy. Như vậy việc doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử kèm theo đó là chữ ký số, sử dụng phần mềm liên thông quản lý, bán hàng, phần mềm kế toán, xuất hóa đơn… đấy là một phần rất quan trọng trong chuyển đổi số quản lý thuế doanh nghiệp. Như vậy, cơ quan quản lý đã chuyển đổi số thì doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi số".
Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco cũng nhấn mạnh, việc đẩy thực hiện triệt để chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý thuế sẽ góp phần làm minh bạch hoạt động của doanh nghiệp, chống gian lận, không lành mạnh.
"Ví dụ hóa đơn điện tử có sự liên thông giữa bên bán và bên mua cũng như cơ quan quản lý thuế. Như vậy những hiện tượng như mua bán hóa đơn, xuất khống hóa đơn rất khó thực hiện như hóa đơn giấy trước đây bởi cơ quan thuế quản lý trên cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, có những phần mềm sử dụng công nghệ AI họ có thể phân tích, đánh giá được các rủi ro các hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian thực. Cơ quan quản lý nhà nước kịp thời kiểm tra, thậm chí can thiệp ngay vào để phòng chống tiêu cực có thể xảy ra", ông Phong nói.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số nhất là trong lĩnh vực quản lý doanh thu, thuế, chữ ký số… Luật sư Hà Huy Phong cho rằng cũng có những rủi ro, thách thức.
"Chuyển đổi số gắn liền với việc đưa toàn bộ dữ liệu, thông tin doanh nghiệp lên nền tảng số nên xảy ra nguy cơ lộ thông tin, bị truy cập bất hợp pháp, hoặc bị đánh cắp thông tin hoặc bị lừa đảo. Đây là những vấn đề pháp lý đặt ra cho các doanh nghiệp", Luật sư Hà Huy Phong chia sẻ.
Để chuyển đổi số thành công, an toàn và hiệu quả, Luật sư Hà Huy Phong khuyến cáo các doanh nghiệp: "Thứ nhất, cần có sự đầu tư đầy đủ, đồng bộ hệ thống bảo mật thông tin để đảm bảo chuyển đổi số được an toàn. Thứ hai, là đào tạo con người. Con người cần được đào tạo, được cập nhật thông tin mới nhất về an ninh mạng, các hành vi lửa đảo trực tuyến, nâng cao ý thức sử dụng các công cụ chuyển đổi số, không sử dụng vào những việc ngoài mục đích của doanh nghiệp; Thứ ba, phải thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin mới, chính sách mới của cơ quan có thẩm quyền để đưa vào các hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không kịp thời cập nhật thông tin có nguy cơ bị lạc hậu".
Khi ứng dụng công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp thì khả năng che giấu thông tin sẽ được giảm thiểu một cách tối đa, nhất là trong quản lý thuế. Đứng trước bài toán kinh doanh trong xu thế chuyển đổi số, doanh nghiệp buộc phải tìm các thích nghi theo xu hướng minh bạch thông tin để bảo đảm sự tồn tại của mình trên thị trường.
Bấm nghe phóng sự: