Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một tuần sau, ngày 10/9/1945 “Sở Thuế quan và thuế gián thu” được thành lập và ngày này hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là ngày truyền thống của ngành thuế Việt Nam.

Từ khi ra đời cho đến nay, ngành Thuế đã luôn chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Số thu ngân sách nhà nước luôn đạt mức tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước và từ năm 2017 đã đạt mức trên 1 triệu tỷ đồng. Đến hết năm 2021, có 47 địa phương đạt quy mô số thu trên 5.000 tỷ đồng, trong đó 29 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng; Hệ thống chính sách thuế cũng đã được xây dựng tương đối đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, vừa bao quát được các nguồn thu của nền kinh tế, vừa là cơ sở pháp lý để Nhà nước thực hiện khuyến khích đầu tư, bảo hộ sản xuất, huy động nguồn lực tài chính phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước; Công tác quản lý thuế từng bước được cải cách theo hướng người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp vào ngân sách và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thúc đẩy kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, đến nay hệ thống khai thuế điện tử đã được thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đạt trên 99%.

Với phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, ngành thuế đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của công tác quản lý thuế, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính thuế. Đến nay, ngành Thuế đã cắt giảm số thủ tục hành chính thuế, từ 498 thủ tục xuống còn 234 thủ tục (giảm 264 thủ tục). Các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 đều đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ Công quốc gia đáp ứng yêu cầu điện tử hóa, số hóa các thủ tục hành chính thuế. Việc điện tử hóa trong công tác quản lý thuế cũng là một trong những điều kiện quan trọng thực hiện cải cách, tinh giản bộ máy của ngành Thuế, giảm từ 711 Chi cục Thuế (năm 2019) xuống còn 413 Chi cục Thuế (năm 2021); giảm gần 2.800 đầu mối cấp phòng, cấp đội so với năm 2015.

Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, người nộp thuế, ngành Thuế đã chủ động đề xuất và triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, … kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với những ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, ổn định sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, ngành Thuế tiếp tục thực hiện cung cấp các dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đạt trên 99%, theo đó, người nộp thuế không phải đến trực tiếp cơ quan thuế nhưng vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định thông qua môi trường điện tử.

Song song với đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính về chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngành thuế đã đẩy mạnh việc triển các ứng dụng thuế điện tử cho các cá nhân. Theo đó, dịch vụ khai điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản đã được Tổng cục Thuế triển khai tại 63 cục thuế và các chi cục thuế trực thuộc. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã có 843.547 tài khoản đăng ký; cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân, nộp điện tử lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua các kênh thanh toán Internet banking, Mobile banking.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế đăng ký tài khoản giao dịch điện tử trực tuyến và nộp thuế điện tử tại nhiều ngân hàng và đẩy mạnh việc triển khai chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, cơ quan thuế đã triển khai dịch vụ eTax Mobile từ ngày 21/03/2022. Theo đó, người nộp thuế có thể xác thực đăng ký tài khoản eTax mobile điện tử thông qua việc xác minh thông tin về số điện thoại, số tài khoản và số CMT/CCCD trên hệ thống của ngân hàng thay vì việc người nộp thuế sẽ phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục. Tổng cục Thuế đã tích hợp việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile với 09 Ngân hàng (Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (Hdbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB),...) và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới. Đến ngày 15/08/2022 đã có 116.643 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 60.188 giao dịch qua ngân hàng với tổng số tiền trên 291 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Dựa trên các căn cứ pháp lý về quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài đã hoàn thiện, thông qua cổng thông tin điện tử này, nhà cung cấp nước ngoài có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Kết quả triển khai đến ngày cuối tháng 8/2022 đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công, trong đó có nhiều nhà cung cấp nước ngoài hàng đầu thế giới như: Google; Facebook; Tik tok; Netflix; Microsoft.

Đặc biệt, là việc triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 01/7/2022 theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn do khối lượng công việc lớn, thời gian triển khai gấp và tác động đến hầu hết các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Tuy nhiên, xác định việc thực hiện sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội nên từ cuối năm 2021, ngành thuế đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai. Với cách làm bài bản và khoa học, đến hết ngày 30/6/2022 toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn đã hoàn thành đăng ký chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Những nỗ lực của ngành thuế không chỉ cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn, mà còn đem lại nguồn thu bền vững cho NSNN với số thu và quy mô ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Đáng chú ý năm 2019, lần đầu tiên cả 63/63 Cục Thuế tỉnh, TP đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu. Trong 2 năm 2020, 2021 đại dịch Covid - 19 bùng phát mạnh trong cả nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân, nhưng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Nhờ đó, thu ngân sách vẫn có bước tăng trưởng khá. Năm 2020 thu vượt trên 24.400 tỷ đồng. Năm 2021, tổng thu ngân sách cho ngành thuế quản lý hoàn thành vượt trên 177.000 tỷ đồng. Kết quả này có ý nghĩa to lớn, góp phần đảm bảo các cân đối vĩ mô nhất là trong bối cảnh Nhà nước phải tăng chi cho an sinh xã hội và công tác phòng chống dịch.

Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ triển khai thực hiện “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý. Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp; đồng thời trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.