Đa số đại biểu đều đánh giá cao việc Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Hàng triệu ý kiến là hàng triệu niềm tin người dân gửi gắm tới Quốc hội, Chính phủ, kỳ vọng Luật Đất đai sau sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai thời gian qua.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến nhân dân góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Chu Thị Hồng Thái - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, trong dự án Luật cần có quy định rõ đối tượng nhận, chuyển nhượng là cá nhân hay tổ chức cũng như nêu rõ về thời hạn chuyển nhượng, tổ chức nhận chuyển nhượng.

Về việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhất trí và đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có tính đến đặc thù của các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Cùng với đó cần phân biệt đối tượng nhận quyền chuyển nhượng là tổ chức hay cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp. Quan trọng nhất là cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp ảnh hưởng đến mục tiêu, chính sách.

Đối với trường hợp mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, ngoài ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án quy định hạn mức nhận chuyển nhượng mức nào thì phải thành lập tổ chức kinh tế, hạn mức bao nhiêu thì không cần phải thành lập mà chỉ cần đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, không vi phạm pháp luật về đất đai. Bởi vì sẽ có trường hợp nhận chuyển nhượng với diện tích không lớn mà yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế thì sẽ không phù hợp.

Thực tế, khi công khai dự án và thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thời gian qua cho thấy, nhà đầu tư thường phải đối diện với tình trạng dự án bị chậm tiến độ, dang dở, đình trệ do có một tỷ lệ đất rất nhỏ không thỏa thuận được, bị một số ít chủ sử dụng đất thổi giá hoặc cố tình không hợp tác làm cản trở thực hiện dự án, gây lãng phí nguồn lực đất đai và quyền lợi của số đông người dân đã đồng thuận với mục tiêu của dự án.

Trước thực tế này, đại biểu Nguyễn Thành Nam - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế, biện pháp can thiệp của Nhà nước để giải quyết vấn đề trên, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của số đông người có quyền sử dụng đất và của nhà đầu tư, đồng thời ngăn chặn một bộ phận nhỏ người sử dụng đất lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này là về định giá đất. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận thời gian vừa qua cơ quan soạn thảo đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện nội dung này. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần được thảo luận, nghiên cứu rõ hơn.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Dự thảo Luật quy định bảng giá đất được áp dụng để tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc cho phép người dân tự ý ghi giá trị hợp đồng chuyển nhượng trên hợp đồng. Điều này sẽ không bảo đảm cho việc khuyến khích người dân ghi đúng giá chuyển nhượng bởi vì rất có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc ghi giá trên hợp đồng như là việc cố tình tạo ra hàng loạt các giao dịch ảo để nâng giá đất ở một khu vực nhất định hoặc ghi sai giá đất để hợp lý hóa trách nhiệm kê khai tài sản hoặc là thực hiện hành vi rửa tiền…

Việc kê khai không đúng giá trên hợp đồng sẽ dẫn đến dữ liệu đầu vào không chính xác, từ đó sẽ dẫn đến việc định giá để xây dựng bảng giá đất sai. Điều đó có nghĩa là mục tiêu đặt ra của chính sách này không đạt được. Bên cạnh đó, việc tính giá như vậy còn thiệt thòi cho người chuyển nhượng khi việc mua bán bị lỗ, không phát sinh thu nhập thực tế.

Từ những phân tích trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Đất đai và Luật Thuế thu nhập cá nhân để vừa khuyến khích người dân ghi đúng giá chuyển nhượng trên hợp đồng và tính đúng thuế thu nhập cá nhân.