Đến hết tháng 5/2023, theo quy định, tất cả các thuê bao di động đang hoạt động phải được chuẩn hóa thông tin trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Nếu người dùng không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị chặn liên lạc một chiều hoặc hai chiều hoặc bị gián đoạn các dịch vụ của nhà mạng. Việc chuẩn hóa thông tin với mục đích giúp người dùng khẳng định sự chính chủ với số điện thoại của mình, đồng thời, hạn chế tối đa việc nhận các cuộc gọi lừa đảo, quấy rối, bị xúc phạm từ các số điện thoại khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng viễn thông không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, đồng thời làm sạch thông tin thuê bao để hạn chế các hệ lụy từ việc đối tượng xấu sử dụng SIM rác gây hại cho xã hội.

Thế nhưng, dù việc chuẩn hóa thông tin đã được triển khai nhưng các cuộc gọi rác, lừa đảo vẫn liên tục diễn ra. Ghi nhận từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam cho thấy, năm 2022 có 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với hai loại hình chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân, 24,4%, là bước đệm để "lên kịch bản" thực hiện lừa đảo tài chính, chiếm 75,6%. Cho đến 6 tháng đầu năm nay, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 65% so cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ bị làm phiền mà khi chủ thuê bao có phản ứng với các cuộc gọi lừa đảo còn bị xúc phạm, chửi bới. Thậm chí, còn bị đe dọa nếu không làm theo sẽ bị mất hết thông tin cá nhân. Điều này khiến không ít người cảm thấy bức xúc, hoang mang.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng đội, tình trạng SIM không chính chủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo, đe dọa... Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra, thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Có những doanh nghiệp đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có. Cùng với đó, còn có tình trạng thuê sinh viên, lao động tự do,… đứng tên đăng ký hàng loạt SIM. Đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán, sử dụng SIM có dấu hiệu vi phạm thì căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 đối tượng: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động; tổ chức, đơn vị bán SIM và người mua SIM.

Theo đó, căn cứ vào Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) thì:

- Đối với người mua SIM: Trong trường hợp không làm rõ được mục đích sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đã thực thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có thể bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các số thuê bao từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Đối với đơn vị, tổ chức bán SIM: Nếu có hành vi bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có thể bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

- Đối với doanh nghiệp viễn thông di động: Nếu có hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng, cao nhất lên tới 100 triệu đồng; Nếu có hành vi không thực hiện rà soát, kiểm tra thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung theo quy trình nội bộ có thể bị phạt tiền từ 180 triệu - 200 triệu đồng.

Không những thế, việc thuê người đứng tên đăng ký hàng loạt sim, tức là sử dụng thông tin của người khác đương nhiên là hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó người dân chỉ đơn giản nghĩ là đứng hộ tên thuê bao, nhưng họ đã vô tình tạo ra những sim có thông tin chính chủ nhưng lại không phải chính chủ sử dụng. Những sim này được các đại lý bán cho khách hàng, vì vậy, vẫn có nhiều sim không chính chủ được bán ra thị trường, khiến cho tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn tiếp diễn.

Do đó, căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng giấy tờ tùy thân của các cá nhân, giấy tờ chứng nhận pháp nhân của tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM vi phạm từ 01 đến 200 SIM có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt là đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các số thuê bao từ 10 tháng đến 12 tháng; trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 201 đến 500 SIM sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; nếu số lượng SIM vi phạm từ 501 trở lên thì mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 30-50 triệu đồng.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng đội cho rằng, phía cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp xử lý tình trạng bán SIM rác tràn lan như: Tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt về quy trình bán hàng của các đại lý bán SIM nhỏ lẻ, xử phạt nghiêm với các cơ sở có hành vi buôn bán SIM rác, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của SIM rác cũng như phối hợp với các nhà mạng trong việc tra soát thông tin của các thuê bao.

Về phía nhà mạng cần tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, triển khai các biện pháp rà soát đối với các thuê bao có thông tin không trùng khớp để hạn chế SIM rác. Đồng thời, yêu cầu khách hàng sử dụng nhiều SIM (trên 10 SIM) phải làm cam kết về mục đích sử dụng. Tăng cường kiểm soát và quản lý việc cấp phát SIM số điện thoại bằng cách phân phối SIM qua các hệ thống cửa hàng trực tiếp nhà mạng cùng các hệ thống chuối lớn, uy tín và đặc biệt là ngừng cung cấp cho các đại lý ủy quyền. Bên cạnh đó, phối hợp với với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn bán SIM rác tràn lan. Báo cáo số liệu về Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không đúng thì nhà mạng đó phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Còn về phía người dân, không nên chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên các trang web hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc, không đăng ký nhận thông tin từ các trang web hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc. Sử dụng các công cụ chặn tin nhắn rác trên điện thoại như là call trueler. Không mở các liên kết hoặc tệp đính kèm trong các tin nhắn không rõ nguồn gốc. Không trả lời hoặc gửi lại các tin nhắn rác. Cập nhật phần mềm bảo mật trên thiết bị của mình để hạn chế các lỗ hổng bảo mật. Trong trường hợp nhận được quá nhiều tin nhắn rác, người dân có thể liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ di động hoặc cơ quan chức năng để giải quyết.

Các tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo không chỉ ảnh hưởng đến người nghe, mà còn đe dọa đến sự riêng tư và an ninh của thuê bao người sử dụng. Theo các chuyên gia, nếu nhận ra cuộc gọi rác, người dân nên ngắt cuộc gọi để tránh mất thời gian hoặc bị xúc phạm. Điều này cũng giúp giảm việc tiếp xúc với kẻ có ý đồ xấu, hạn chế nguy cơ bị dẫn dụ vào nhóm lừa đảo, thao túng tâm lý, gây thiệt hại về tài chính và dữ liệu cá nhân. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân nên bình tĩnh, tỉnh táo để bảo vệ chính bản thân mình trước các nguy cơ có thể xảy ra.

Mời nghe âm thanh tại đây: