Liên quan đến vấn đề đánh thuế với những người sở hữu nhiều nhà, đất, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, chỉ số giá nhà ở của nước ta thuộc dạng cao nhất trên thế giới. Nếu như Châu Âu, chỉ số giá nhà ở từ 2-4 lần thì chúng ta cao gấp hơn 25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội khiến nhiều người Việt khó sở hữu được nhà ở. Tuy nhiên, rất nhiều người lại giàu có lên bằng cách đầu cơ đất đai, nhà ở. Đó là 2 ngữ cảnh ngược chiều nhau.
Kể từ khi bắt đầu đổi mới đến nay, giá đất đã tăng khoảng 400 - 450 lần, trong khi lương lại không tăng nhiều. Hiện người dân bỏ tiền vào nhà đất nhiều hơn gấp 3-4 lần đầu tư sản xuất kinh doanh, là diễn biến bất lợi cho nền kinh tế. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SB Law cho rằng: Chúng ta chưa có quy định đánh thuế với bất động sản từ thứ 2,3 trở đi. Thực tế có nhiều người có hàng chục căn hộ cho thuê, có nhiều mảnh đất mà chủ yếu chỉ đề đầu cơ chứ không đưa vào sản xuất, kinh doanh. Có nhiều “chiêu trò” để “thổi giá” bất động sản, tạo ra giá trị “ảo” của bất động sản, làm lạm phát ngày càng tăng, đó chính là bất lợi cho đất nước trong quá trình phát triển. “Nếu giá đất cứ tăng như hiện nay, mục tiêu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7.500 USD (172,5 triệu đồng). Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra sẽ khó đạt được” – Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.
Bàn về việc thu thuế nhà đất hiện nay còn thấp chuyên gia tài chính, kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Hiện nay có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và nông nghiệp. Đất sử dụng phi nông nghiệp có nhược điểm lớn là giá trị của đất phi nông nghiệp rất thấp so với giá thị trường. Thuế suất thấp, có phân biệt đất để hoang, sử dụng gấp 2-3 lần so với đất phổ thông. Tuy nhiên, để đánh thuế tài sản kể từ căn nhà thứ hai trở đi, chúng ta cần có một lộ trình nhưng không thể không làm. “Việc quản lý như thế nào để giảm được đầu cơ là việc không thể dễ, nếu quản lý như hiện nay thì luật Thuế có hay, có đẹp đến mấy cũng sẽ không thể thu được thuế nhà đất từ căn nhà thứ 2 trở đi” – chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 đã ban hành Nghị quyết số 18 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2025 phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Giáo sư Đặng Hùng Võ nhìn nhận: Nội dung của Nghị quyết đã “đánh trúng” những bất cập về đất đai hiện nay, nhưng để Nghị quyết đi vào cuộc sống, có tác động thực tế thì cần phải khẩn trương cụ thể bằng Luật, bằng chính sách và triển khai nhanh chóng ở cấp địa phương.
Để nguồn lực đất đai không còn bị lãng phí, tránh tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật, lách luật trong lĩnh vực đất đai tiếp diễn, không có cách nào khác là phải luật hóa và phải thực hiện thật nghiêm những vấn đề đã đặt ra về chính sách đất đai và việc thu thuế từ đất, biến nguồn lực đất đai là đôi cánh để đất nước bay lên./.
Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên chương trình với các chuyên gia tại đây: