Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Bộ Tài chính cũng hoàn toàn đồng tình với đề xuất này và cho rằng chính sách này sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch, bền vững.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên chính sách đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất được nêu ra. Song, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Vậy vấn đề đang nằm ở đâu, còn có những phức tạp gì? Và mục tiêu kiềm chế giá nhà đất, kiểm soát nạn đầu cơ nhà, đất liệu có khả thi khi áp dụng chính sách này?
Phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phóng viên: Thưa GS Đặng Hùng Võ, quan sát thị trường bất động sản hiện nay, ông thấy có điều gì bất thường?
GS Đặng Hùng Võ: Thị trường hiện nay rất bất thường. Kể từ năm 2020 việc phê duyệt dự án nhà ở bị ách tắc, số lượng dự án treo rất nhiều. Nên nguồn tiền từ bán bất động sản hình thành trong tương lai không còn, hay nói cách khác là nguồn vốn mất đi.
Luồng vốn từ các nguồn khác vào thị trường bất động sản cũng không có. Ngân hàng nhà nước hiện nay không cho vay một cách dễ dãi vào bất động sản, họ kiểm soát số lượng vốn và “canh gác” rất cẩn mật.
Rồi nguồn từ trái phiếu, bản thân tiềm lực tài chính của nhiều nhà đàu tư bất động sản yêu kém, nên không đủ để trả vốn và lãi.
Những người đưa tiền vào bất động sản mang tính kinh doanh nhưng không bán được, tiền bị chôn ở đó, đến kỳ hạn trả ngân hàng không có.
Như vậy, bất động sản kẹt mọi nguồn vốn. Vì thế, giới kinh doanh phải thổi giá ảo để bù vào chuyện đang lỗ.
Hiện nay thị trường bất động sản tính thanh khoản rất thấp. Thị trường gần như dừng lại, giới đầu cơ, kinh doanh lớn thổi giá. Ai cũng biết đó không phải là giá thật nên không có người mua.
Một cuộc chiến cung – cầu chống nhau đang xảy ra và điều này thực sự vô lý.
Phóng viên: Điều gì sẽ xảy ra nếu như tình trạng này vẫn tiếp diễn, thưa ông?
GS Đặng Hùng Võ: Tất cả mọi người kể cả những người chưa thạo cũng xoay ra kinh doanh bất động sản, giá ảo sẽ tăng dần đến một lúc nào đó quả bong bóng sẽ phình to và vỡ.
Nếu chúng ta đưa tiền vào bất động sản quá nhiều, đầu cơ bất động sản để kiếm sống và kiếm tiền từ bất động quá dễ đổ xô vào bất động sản thì vấn đề sản xuất sẽ bị đặt làm thứ yếu. Hệ quả về kinh tế là rất lớn.
Phóng viên: Rõ ràng là cần có giải pháp để kiềm chế giá nhà đất, điều tiết thị trường bất động sản. Và chính sách đánh thuế với những người sở hữu hoặc sử dụng nhiều nhà, đất đang được kỳ vọng là làm được điều này. Ông có nghĩ là có thể?
GS Đặng Hùng Võ: Chắc chắn. Về mặt lý thuyết, học giả của các nước trên thế giới khẳng định là có thể giải quyết được. Khi mọi người dội tiền vào bất động sản thì phải sử dụng đến sắc thuế để điều chỉnh.
Nhưng đánh thuế thế nào cho phù hợp với điều kiện sống của đại đa số 80% nhân dân mới là vấn đề khó.
Sắc thuế phải phù hợp với điều kiện nước ta và nó không bất khả thi. Có nghĩa là các điều kiện khác như chuyện công khai nhà ở, giải trình nguồn gốc bất động sản liệu có thực hiện được không? Chứ nếu không thì có thể sang tên cho người khác thì lúc đó đánh thuế vào ai?
Hạ tầng quản lý hiện nay kém không quản lý được ông X này có nhà ở tỉnh A, tình B, tỉnh C… Một hạ tầng như vậy thì chưa đảm bảo tính khả thi của luật thuế.
Đi theo luật thuế này còn nhiều việc nữa phải làm. Thứ nhất, về chủ trương, nhiều người họ cho là họ có quyền riêng tư, bí mật về tài sản. Vậy thì phải có sự đồng thuận về việc công khai tài sản với tất cả các nhóm đối tượng.
Thứ hai, hạ tầng quản lý có nâng cấp được không? Đó là cơ sở dữ liệu nhà đất và dân cư. Tôi đã từng lên tiếng ủng hộ cao khi Bộ Công an đề xuất là 2 cơ sở dữ liệu này phải hợp nhất thì mới giải quyết được vấn đề hạ tầng quản lý trên nguyên tắc chuyển đổi số và thông tin được quản lý chặt chẽ.
Phóng viên: Để đề xuất, theo ông chính sách thuế này cần được xây dựng theo những hướng cơ bản như thế nào?
GS Đặng Hùng Võ: Thu nhập người dân Việt Nam còn thấp, trong đồng lương không nhìn thấy tiền chi phí cho nhà ở. Ai muốn mua nhà ở thì phải tiết kiệm chi tiêu ăn uống. Vì vậy, theo tôi, xây dựng thuế trên quan điểm là giảm thuế chung, miễn thuế cho những người sở hữu nhà ở chính đáng để họ không chịu áp lực về thuế.
Nhưng đánh thuế ở mức độ cao với những trường hợp có nhà nhưng không sử dụng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Xin mời nghe cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: