Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn, cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phân tích từ thực tế, thời gian qua, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới khiến lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ tăng gấp nhiều lần. Trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok….
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho rằng,: nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Số lượng giao dịch rất lớn và tích tiểu thành đại. Chính phủ quy định thế nào để chúng ta có thể có những nguồn thu nhất định từ phần này. Nếu chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc hay một số những nước xung quanh như Thái Lan chẳng hạn thì những sàn giao dịch như vậy mua bán rất nhiều. Cho nên cân nhắc để chúng ta có các nguồn thu bền vững hơn từ các loại giao dịch này”.
Theo số liệu của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, chỉ tính riêng tháng 3/2023, giá trị mỗi đơn hàng nói trên dao động từ 100.000 - 300.000 đồng. Hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, 1 tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…Do vậy, nếu tính thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng này sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Liên quan đến quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% trong 6 tháng cuối năm 2024, đa số các đại biểu đồng tình với quy định này. Bởi nền kinh tế nước ta đang trong quá trình phục hồi, còn rất nhiều khó khăn. Việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế giá trị gia tăng vừa tạo động lực để người tiêu dùng tăng chi tiêu, đồng thời vẫn duy trì được xu hướng phục hồi. Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi giảm 2% thuế cho một số nhóm hàng hóa đã khiến doanh thu thuế mỗi tháng giản 4 nghìn tỷ, nhưng thực tế việc giảm thuế lại kích thích tăng tiêu dùng. Đơn cử trong 5 tháng đầu năm tổng thu ngân sách tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, việc tiếp tục miễn giảm 2% thuế là cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất, nên kéo dài thời gian giảm thuế 2% ít nhất đến hết năm 2025, tránh tình trạng "một chính sách nhiều lần trình Quốc hội cho phép áp dụng, cho phép gia hạn áp dụng như giảm thuế giá trị gia tăng thời gian qua".
Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự thảo nghị quyết trình Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách thẩm tra chính thức, trong đó nêu rõ quan điểm trình Quốc hội xem xét và quyết định đưa thành một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7.