Mô hình cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending - P2P) là một mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với các cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Đây là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ ở các thị trường trên thế giới. Ở Việt Nam, hình thức cho vay này cũng đã xuất hiện được vài năm nay.

Theo truyền thống, người muốn vay vốn phải đến ngân hàng hoặc công ty tài chính được Nhà nước cấp phép, nhưng khoảng chục năm nay, khi công nghệ thông tin phát triển, đã ra đời các công ty công nghệ tài chính (Fintech) có nhiệm vụ chắp nối giữa người có tiền (hay còn gọi là nhà đầu tư) để cho người có nhu cầu vay vốn. Loại hình này không hoạt động giống như hệ thống ngân hàng mà sẽ kết nối giữa người vay với người đi vay qua ứng dụng công nghệ thông tin. Cách vay này rất đơn giản và thuận tiện.

Dù mới xuất hiện ở nước ta được khoảng 5 năm, nhưng các công ty finteech đã có sự tăng trưởng mạnh về số lượng và khách hàng. Có nhiều lý do để người dân tìm đến các công ty P2P. Nếu như vay tiền tại ngân hàng, người vay phải có tài sản bảo đảm với nhiều thủ tục rườm rà, thời gian chờ đợi lâu thì vay vốn qua các công ty công nghệ sẽ chỉ mất khoàng vài chục phút, thậm chí ít hơn là người vay đã nhận được tiền vay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, các công ty fintech được chia làm 4 loại hoặc 4 cấp độ hoạt động: Thứ nhất, các công ty Finteech là người đứng giữa, dùng công nghệ để kết nối và những người đầu tư và những người có nhu cầu đi vay tiền. Thứ 2 là công ty Fintech thẩm định người đi vay tiền và giới thiệu cho người cho vay tiền. Thứ 3 là công ty Fintech thẩm định về lãi, thời hạn, phương pháp trả nợ và cấp cao nhất là công ty Fintech không chỉ chắp nối mà họ còn làm chức năng như một ngân hàng là huy động vốn và cho vay. Mỗi cấp bậc có rủi ro riêng, thậm chí người cho vay có thể mất tiền nếu người vay không thực hiện đúng cam kết.

"Trên thị trường Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty fintech oạt động đúng nghĩa và 40 công ty hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nhưng thực tế có tới vài trăm công ty P2P hoạt động cho vay mang tính chất lừa đảo, chiếm đoạt tiền nhà đầu tư với lãi cắt cổ, nếu không trả được sẽ sử dụng xã hội đen để thu hồi tiền và cưỡng đoạt tài sản”. – Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Hiện tại, việc cho vay giữa cá nhân với nhau được điều theo quy định tại Bộ luật dân sự với lãi suất tối đa không được vượt quá 20%. Tuy nhiên, mới có khung pháp lý cho việc cho vay thông thường mà chưa có quy định nào điều chỉnh việc cho vay ngang hàng.

Thực tế cho thấy, trong các phương thức, thủ đoạn cho vay theo hình thức trực tuyến của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen thì cho vay qua mô hình P2P Lending đang diễn biến phức tạp hơn cả. Cho vay ngang hàng cũng dễ trở thành công cụ cho một số đối tượng tiến hành trốn thuế, rửa tiền… vì các cơ quan khó kiểm tra nguồn gốc, kiểm soát dòng tiền, danh tính, mục đích sử dụng vốn vay. Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico chỉ ra nguyên nhân là do hành lang pháp lý điều chỉnh loại hình này hoàn toàn chưa có. Với loại hình kinh tế mới, theo luật sư Trương Thanh Đức, không thể áp dụng các quy định hiện hành để điều chỉnh. Cũng giống như không thể đem các quy định điều chỉnh loại hình taxi truyền thống để áp dụng cho loại hình taxi công nghệ như Grab hay Gojek, Uber.

Không có hành lang pháp lý, không có quy định cấm, ngăn cản hay điều kiện kinh doanh thì không có bất cứ lý do gì ngăn cấm người ta hoạt động. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Khi chưa có nền tảng pháp lý mà các điều kiện về thị trường và công nghệ cho phép thì công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Với loại hình cho vay ngang hàng, nền tảng hoạt động dựa trên công nghệ nên mang nhiều nét của loại hình cho vay phi chính thức”.

Trước tình trạng cho vay ngang hàng nở rộ như hiện nay, điều đầu tiên là phải tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định của Nhà nước liên quan tới vay và cho vay cũng như những nguy cơ tiềm ẩn từ mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending), tăng cường cơ chế pháp lý bảo vệ nhà đầu tư và quyền lợi người cho vay khi tham gia mô hình P2P Lending. Điều quan trọng nhất là cần phải xây dựng hành lang pháp luật quản lý hoạt động cho vay ngang hàng. Có như vậy mới hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động tài chính khi cho vay ngang hàng như đã và đang xảy ra.