Ngành Công tác xã hội (CTXH) ra đời với sứ mạng hàn gắn những rạn nứt của xã hội trong quá trình phát triển, giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội và hướng tới sự phát triển bền vững, nhân văn và nhân ái. Để làm được điều đó, vai trò của nhân viên công tác xã hội rất quan trọng.

Ông Trần Cảnh Tùng – Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá: "Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội phát triển cả về số lượng và chất lượng".

Đến nay, ở nước ta, có hơn 425 cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) bao gồm cả công lập và ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng; và rất nhiều mô hình trung tâm Công tác xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội đã vận hành rất hiệu quả, như: Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Khánh Hòa, Thanh Hóa…. Các cơ sở TGXH này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng khác nhau, như: nhóm cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác.

Trên cả nước có khoảng 235.000 người làm CTXH, trong đó có bao gồm đội ngũ công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

"Trong thời gian qua, CTXH đã đạt được những thành tựu, kết quả hết sức quan trọng trong các lĩnh vực lao động thương binh và xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, các hội đoàn thể tham gia CTXH…và kết quả này được thể hiện trên các phương diện khác nhau: từ xây dựng chính sách pháp luật, phát triển mạng lưới CTXH, công tác đào tạo và truyền thông về CTXH đã đạt được. Quan trọng hơn hết, đó là cơ sở để những người làm CTXH được tham gia giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đây là điều có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội." - ông Trần Cảnh Tùng nhận xét.

CTXH có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, can thiệp, phục hồi và phát triển để hướng đến trợ giúp của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi, nạn nhân của bạo hành và tệ nạn xã hội... phát triển khả năng và sử dụng các nguồn lực riêng của họ và của cộng đồng, xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

CTXH là một nghề có vai trò giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và khó hòa nhập với cộng đồng, ví dụ, người khuyết tật, người già, người nghèo, người có bệnh nan y, những người không có khả năng tự chăm sóc… Nghề CTXH cũng giúp người bệnh giải quyết những nhu cầu cần thiết khi đến khám bệnh, điều trị tại bệnh viện, góp phần giảm bớt những khổ đau, thiếu thốn bởi gánh nặng bệnh tật của rất nhiều cảnh ngộ; nhân lên niềm vui, hạnh phúc, bồi đắp những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời... Có thể nói để nghề công tác xã hội phát triển phụ thuộc rất nhiều vào người hành nghề công tác xã hội.

Ông Trần Cảnh Tùng cho biết: "Ở các nước trên thế giới và trong khu vực đã có Luật hay Nghị định về CTXH; còn Việt Nam mới có các văn bản tầm thông tư quy định, và còn lồng ghép một số trong các Nghi định, Chương trình Đề án về CTXH. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tham mưu trình Chính phủ dự thảo về Nghi đinh CTXH. Đây là văn bản pháp lý hết sức quan trọng để những người làm CTXH được hành nghề chuyên nghiệp và được bảo vệ hỗ trợ từ pháp luật."

"Từ kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn trong nước, chúng tôi cũng đưa ra các quy định bắt buộc cần đáp ứng tiêu chuẩn hành nghề đối với người hành nghề công tác xã hội, khác với việc hoạt động từ thiện, nhân đạo. Và quy định này với mục tiêu là nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm CTXH cũng như chất lượng dịch vụ CTXH khi hỗ trợ cho người dân và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn." - ông Tùng nói thêm.

Theo đó, để được hành nghề CTXH, cần đáp ứng điều kiện như: Bằng cấp đào tạo chuyên môn phù hợp, yêu cầu về thực hành CTXH (trong đó có quy định về thời gian thực hành), sau khi thực hành xong, thì đăng ký kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Đạt kết quả sẽ được cấp giấy phép hành nghề. Và tất nhiên người hành nghề phải bảo đảm sức khỏe để thực hiện hoạt động.

Giấy phép hành nghề CTXH sẽ bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

- Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề CTXH;

- Người hành nghề không hành nghề CTXH trong thời gian 03 năm liên tục, trừ trường hợp tham gia các Chương trình đào tạo về CTXH;

- Người hành nghề CTXH tự đề nghị nộp lại giấy phép hành nghề;

- Người hành nghề CTXH thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề quy định tại Điều 12, Điều 34 của Nghị định này;

- Có vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và nhân phẩm của đối tượng theo kết luật của cơ quan có thẩm quyền.

Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ phần trả lời của ông Trần Cảnh Tùng - Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật: