Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ mua bán thai nhi bằng cách đưa người mẹ ra nước ngoài sinh con, tuy nhiên việc điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn do chưa được quy định trong luật. “Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời. Khi công an phát hiện các đối tượng trên đường đưa phụ nữ mang thai đi Trung Quốc để sinh rồi bán con cho người Trung Quốc, nhưng việc sinh con chưa xảy ra thì ở giai đoạn này cũng không có cơ sở để truy tố về tội “mua bán người” hoặc “mua bán người dưới 16 tuổi” theo Điều 150 và Điều 151, Bộ luật Hình sự 2015.”
Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ mang thai con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Do đó, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng đồng tình và nhấn mạnh tính cấp thiết cần bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Bởi theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.
“Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị bổ sung điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi bao gồm các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật; bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm này.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất bổ sung một số hành vi trong khái niệm mua bán người trong dự thảo luật để phù hợp với thực tiễn. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, hành vi mua bán người hiện nay được thực hiện với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi và khó phát hiện. Bà Thủy cho biết: Hình thức cho con nuôi nhưng thực tế là mua bán con, hình thức kết hôn có yếu tố nước ngoài hay hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng thực chất là hành vi mua bán người. Do đó khái niệm hành vi mua bán người cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và quy định kỹ lưỡng tránh bỏ sót đối tượng.”
Khái niệm nạn nhân cũng cần được xem xét và quy định phù hợp trong dự thảo luật, bởi trong thực tế có những trường hợp nạn nhân chính là thủ phạm. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy phân tích: “Ví dụ một người tự thỏa thuận, trao đổi về việc mua bán mình thông qua hình thức kết hôn giả hoặc đi lao động nước ngoài nhưng sau đó trở thành nô lệ tình dục bị cưỡng bức lao động thì lúc này họ có được coi là nạn nhân của hành vi hay không. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thật kỹ để phù hợp với thực tế.”
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.