Năm 2023, Thanh Hoá đặt mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 30%; mỗi hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa đều được trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh; 100% sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử...

Ông Đỗ Hữu Quyết, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá cho biết, sẽ phối hợp với đơn vị liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các bước để được hỗ trợ theo quy định, đạt mục tiêu đề ra.

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội Truyền thông số Việt Nam khẳng định, khi doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số hiệu quả cũng chính là đang đồng hành với Chính phủ xây dựng Chính phủ số và phát triển công dân số tại Việt Nam.

Theo ông Văn, thời gian vừa qua, nhận thức về chuyển đổi số của đại bộ phận các doanh nghiệp đã được nâng cao. Hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đầu tư nhân lực, nguồn lực, tài lực để thực hiện chuyển đổi số và cũng có những doanh nghiệp thành công trong công cuộc này.

“Có những doanh nghiệp ngay từ đầu đã ứng dụng công nghệ để xây dựng một môi trường làm việc dựa hoàn toàn vào công nghệ, đã giúp cho thay đổi cách thức làm việc, giao việc, xử lý công việc, những cách thức họp hoàn toàn dựa trên công nghệ, tiết kiệm thời gian.” Đây là những tín hiệu rất đáng mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cũng đã tạo đà để cho các doanh nghiệp khác học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện theo.

Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, thời gian qua Hội truyền thông số Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó tập trung đề xuất với Nhà nước và các cơ quan có liên quan thúc đẩy phát triển nền tảng số dùng chung để cho các doanh nghiệp có thể sử dụng phục vụ cho các lĩnh vực như văn phòng điện tử, kế toán, thuế, họp trực tuyến … với cách sử dụng đơn giản, chi phí hợp lý và có thể cài đặt sử dụng dễ dàng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm chi phí, thời gian, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với cơ quan nhà nước, ông Văn đề xuất, Chính phủ, các bộ ngành cũng cần mở những dữ liệu quan trọng để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tích hợp, chia sẻ và sử dụng để phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp mình. Đó là những dữ liệu hết sức quan trọng liên quan đến tài chính, thuế, hải quan, dân cư, hộ tịch, bảo hiểm xã hội…. giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác, thực hiện các thủ tục hành chính một cách dễ dàng, đơn giản và nhanh chóng nhất.

Nghe bài viết tại đây: