Theo quy định, làm nhục người khác là các hành vi thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác như sỉ nhục, chửi bới người khác một cách thô bỉ, tục tĩu…, lột trần truồng nạn nhân, nhổ nước bọt vào mặt, ném mắm tôm, trứng thối vào người khác,... hoặc sử dụng hình ảnh, video để đăng tải, lan truyền trên mạng xã hội những nội dung làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Ngay trong tháng 10, một số đối tượng đã bị khởi tố về tội làm nhục người khác như P.T.N (sinh năm 2008, trú xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Do P.T.N. chưa đủ 18 tuổi nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Đàn áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong quá trình điều tra vụ việc.
Trước đó vào khoảng 21h ngày 19/10, P.T.N. cùng N.V.T. (SN 2010, trú xã Nam Anh, Nam Đàn) đã bắt ép em V.H.Đ. (học lớp 9, trú xã Nam Xuân, Nam Đàn) bốc đất, bùn ăn. Cả 2 còn ép Đ. phải hút thuốc lá không được nhả khói. Trong lúc N. đe dọa thì T. lấy điện thoại ra quay video rồi đăng lên mạng xã hội.
Hay đối tượng Lê Văn Tú, 23 tuổi, ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam biết người yêu cũ sắp đám cưới nên tức tối, gửi video ân ái giữa hai người hồi còn mặn nồng cho gia đình cô và chồng sắp cưới. Ngày 16/10, Tú bị Công an huyện Phú Ninh bắt về tội Làm nhục người khác.
Theo điều tra, năm 2023, Tú lén lút ghi hình ân ái với người yêu, được một thời gian hai người chia tay. Hồi tháng 5, khi cô gái chuẩn bị tổ chức đám cưới, hắn tức tối nên đã gửi video này cho nhiều người trong gia đình người yêu cũ và chồng sắp cưới.
Điều 155 Bộ luật Hình sự về Tội Làm nhục người khác quy định:
- Người nào xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau dây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho rằng mạng hiện nay, mạng xã hội nói riêng, internet nói chung ngày càng trở nên phổ biến và có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội nhưng nó cũng là con dao 2 lưỡi. Bởi ai cũng có thể đăng tải nội dung, thể hiện các trạng thái cảm xúc, suy nghĩ trên tài khoản cá nhân của mình hoặc của người khác. Tuy nhiên, rất khó kiểm soát nội dung đăng tải, chia sẻ trên môi trường mạng. Vì thế, một số người đã biến đây thành nơi để làm nhục người khác. Và những tin bài như thế đã được những người khác chia sẻ lại.
Tất nhiên người có hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội chắc chắn sẽ phải đối diện với những chế tài của pháp luật nhưng người chia sẻ lại những tin, bài có nội dung làm nhục người khác cũng không thể thoát tội.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người chia sẻ lại những tin, bài có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi bao gồm trách nhiệm hành chính và hình sự. Bởi chia sẻ lại những tin, bài có nội dung làm nhục người khác bị coi là tiếp tay cho hành vi đó, vi phạm quyền riêng tư và xúc phạm tới danh dự người bị hại. Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên như sau:
- Xử lí hành chính: Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP.
- Trách nhiệm hình sự: Nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 hoặc tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, người vi phạm cũng phải bồ thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, đồng thời, người vi phạm cũng sẽ bị buộc gỡ bỏ thông tin mà mình đã chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ, việc bị làm nhục trên mạng xã hội không chỉ là vấn đề về danh dự cá nhân mà còn có thể dẫn đến các hậu quả không ai mong muốn. Vì vậy, nếu không may trở thành đối tượng bị làm nhục trên mạng xã hội, chúng ta cần phải bình tĩnh để tự bảo vệ mình và làm theo các bước sau:
- Thu thập bằng chứng và báo cáo sự việc đến cơ quan công an. Việc lưu giữ bằng chứng là bước đầu tiên và rất quan trọng để có thể yêu cầu xử lý và bảo vệ quyền lợi của bạn. Bạn có thể: Chụp ảnh màn hình các bài viết, bình luận, hoặc tin nhắn có nội dung xúc phạm bạn. Ghi lại ngày giờ, tài khoản và các thông tin liên quan. Lưu lại đường link của bài viết hoặc nội dung đã bị chia sẻ. Ghi lại những lời lẽ xúc phạm và cách chúng ảnh hưởng đến bạn, bao gồm các chứng cứ về hậu quả (nếu có). Sau đó, bạn nên ra trụ sở công an gần nhất để báo cáo sự việc và đưa ra các bằng chứng để công an có thể nhanh chóng điều tra, xác minh và xử lý sự việc.
- Yêu cầu nền tảng mạng xã hội xử lý. Hầu hết các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, YouTube, TikTok) đều có cơ chế báo cáo nội dung vi phạm nên bạn có thể báo cáo nội dung trực tiếp trên nền tảng với lý do vi phạm các chính sách liên quan đến xâm phạm danh dự, nhân phẩm, xúc phạm hoặc quấy rối cá nhân. Yêu cầu gỡ bỏ nội dung xúc phạm từ nền tảng mạng xã hội.
- Ngoài ra, bạn có quyền khởi kiện cá nhân hoặc tổ chức có hành vi làm nhục bạn ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín theo quy định.
Mời các bạn cùng nghe toàn bộ phần trao đổi của luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội với phóng viên VOV2: