Quan tâm việc đưa sách giáo khoa vào Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) cho biết: Sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, hiện nay, giá sách cao hơn rất nhiều so với trước, ảnh hưởng đến sự tiếp cận sách giáo khoa của những học sinh nghèo. Chính vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để làm sao giá sách sát với giá thị trường, để tất cả học sinh được tiếp cận với sách giáo khoa.

Cùng quan điểm với đại biểu Lê Thị Song An, đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: Sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, thế nhưng thời gian qua, chỉ cần thêm phần trình bày, chất liệu mà các nhà sản xuất giá sách lại tăng cao hơn nhiều lần so với trước. Chính vì vậy đưa việc quản lý sách giáo khoa vào Luật Giá để quản lý là phù hợp.

Cùng với đó, đại biểu Lâm cho rằng: Cần phải giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi thực tế mấy năm qua, thị trường xăng dầu trồi sụt liên tục, lúc lên cao, khi lại xuống thấp. Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã đóng vai trò điều tiết thị trường rất tốt, đặc biệt khi giá lên cao đỉnh điểm. Nếu không có quỹ này để điều tiết thị trường, sẽ gây ra đứt gãy chuỗi sản xuất, giá xăng lên cao khiến doanh nghiệp không thể sản xuất được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng: Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) hiện vẫn còn nhiều điểm "vướng", chưa đảm bảo tính cụ thể. Cùng với đó, hiện có 13/72 điều khoản trong Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định cụ thể, điều này sẽ gây vướng mắc nếu luật đi vào cuộc sống. Bởi nếu cái gì cũng giao cho Chính phủ thì sẽ làm khó cơ quan hành chính cao nhất đất nước.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, thẩm quyền quyết định danh mục bình ổn giá không nên giao cho Chính phủ, mà chỉ cần Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, Chính phủ có cơ sở để thực hiện. Bên cạnh đó tiêu chí xác định dịch vụ bình ổn giá còn chung chung.

Đại biểu Vũ Đại Thắng (Đoàn Quảng Bình) rất đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá. Bởi hơn 10 năm thực hiện, luật đã bộc lộ những bất cập. Cùng với đó, hiện chúng ta đã hòa nhập vào thương mại quốc tế, chúng ta đã phát triển theo nền kinh tế thị trường nên những điểm gì mà Nhà nước cần phải can thiệp thì phải có những quy định phù hợp, ví dụ như chi tiêu quốc phòng và sách giáo khoa đưa vào kiểm soát giá, để giá của những mặt hàng đặc biệt này có ý nghĩa hỗ trợ an ninh quốc phòng và phát triển giáo dục.

Tuy nhiên, Luật Giá (sửa đổi) cũng nên đưa những trường hợp đặc biệt vào Luật Giá. Đại biểu Thắng lấy ví dụ: Dịch Covid -19 vừa qua đã chứng minh, khi mua sắm hàng hóa trong lúc phòng chống dịch có thể được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, giá của các mặt hàng phòng chống dịch cũng cần đưa vào kiểm soát. "Nếu có ngay quy định như vậy thì chúng ta sẽ khắc phục được chuyện trong thời gian dịch bệnh, lợi dụng tình hình, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật chỉ vì loạn giá. Như thế cũng sẽ bảo vệ được những người công tâm, khách quan, vì mục tiêu chung là phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân." - ông Thắng nêu quan điểm.

Trình bày về những đổi mới của Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV ngày 02/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá là sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh...