Trong hai năm gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng tương đối cao. Trước đây, giá ngô chỉ khoảng 4.700 đồng/kg thì đến nay đã tăng lên trên dưới 10.000 đồng/kg, đỗ tương trước đây chỉ hơn 8.000 đồng/kg đến giờ đã tăng lên 16.300 đồng/kg… kéo theo đó, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp đã tăng từ 25%-40%. Cụ thể: giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng đã tăng 18,4% lên 12.500 đồng/kg, thức ăn cho gà thị lông màu tăng 24,5% lên 13.400 đồng/kg, thức ăn cho gà thịt lông trắng tăng 29,8% lên 14.100 đồng/kg... Sự tăng giá này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

Theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều nguyên nhân khiến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng giá: "Nguyên nhân cốt lõi là giá nguyên liệu thức ăn nhập khẩu tăng cao. Sản lượng thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc nhiều vào sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (khoảng 70%). Vì vậy khi giá nguyên liệu thế giới tăng thì giá thức ăn chăn nuôi trong nước cũng tăng."

Một số nguyên nhân chính khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng:

- Dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu;

- Một số quỹ đầu tư lớn chuyển sang kinh doanh nông sản, găm hàng, đẩy giá nông sản lên cao;

- Giá nông sản thế giới được thiết lập mặt bằng giá mới;

- Mỹ - một trong những nước có sản lượng ngô lớn, tăng sản xuất cồn sinh học từ ngô, làm giảm lượng ngô xuất khẩu;

- Giá xăng dầu tăng;

- Ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ;

- Cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam.

Cũng theo ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, muốn bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cần có nhiều giải pháp và không thể chỉ thực hiện trong ngày một, ngày hai. Hiện Cục Chăn nuôi đang hướng tới 3 nhóm giải pháp:

- Nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước:

+ Chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn...;

+ Tổ chức giải pháp trồng ngô, sắn... theo hình thức hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua ngô, sắn... của nông dân với giá ổn định;

+ Tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám làm thức ăn chăn nuôi;

+ Chuyển đổi đất sang trồng cỏ, ngô sinh khối để phục vụ chăn nuôi gia súc ăn cỏ;

+ Phát triển, sản xuất chế biến các loại nguyên liệu thức ăn trong nước mà Việt Nam có lợi thế;

+ Tổ chức quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm để thu gom và hạn chế các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi.

- Giảm thiểu chi phí trong nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: Giảm chi phí vận chuyển bằng cách đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ, vận chuyển, hệ thống kho cảng và logictics để giảm chi phí lưu thông, lưu bãi, chi phí trung chuyển, lưu thông thức ăn trong nước.

- Tổ chức sản xuất:

+ Từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm; giảm phụ thuộc vào ngô, khô đậu tương... hiện nay đang nhập;

+ Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý áp dụng giải pháp tiên tiến, nhất là công nghệ số trong sản xuất và quản lý, giảm các chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi;

+ Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các loại nguyên liệu sẵn có trong nước; quản lý, giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm bớt một phần nguyên liệu nhập khẩu trong khẩu phần;

+ Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (thủ tục liên quan kiểm dịch, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu).

Trong chương trình Tư vấn chế độ chính sách, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có nhiều tư vấn về việc ghi nhãn thức ăn chăn nuôi, các đánh giá chất lượng thức ăn chăn nuôi, quy định về thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, lưu ý khi sử dụng thức ăn chăn nuôi để không xảy ra rủi ro, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm... Mời quý vị và các bạn cùng nghe: