Nghị định 15 có hiệu lực thi hành đúng mùng 1 Tết Nguyên đán nên hầu hết người tiêu dùng đều chưa để ý tới chính sách này. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết, các loại hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục được giảm thuế đã được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Dù số tiền được giảm thực tế không cao nhưng người tiêu dùng vẫn khá phấn khởi.

Với mức giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, một số hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ rất khó để nhìn thấy kết quả. Ví dụ, nếu ăn tại nhà hàng, với tổng số tiền phải thanh toán là khoảng 1 triệu đồng, tiền thuế VAT là 100 nghìn đồng, khách hàng sẽ được giảm 20 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng sử dụng dịch vụ càng nhiều, mua hàng hóa có giá trị lớn thì sẽ càng thấy rõ lợi ích.

Thạc sỹ luật học Nguyễn Đức Ngọc, giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng lần này trên hàng hóa dịch vụ thiết yếu có mức bao phủ chính sách rất rộng tới hầu hết người tiêu dùng, vốn là nhóm đang bị ảnh hưởng lớn khi thu nhập bị giảm do dịch bệnh. Có thể với nhiều gia đình, số thuế được giảm chỉ là vài trăm ngàn đồng/tháng, nhưng trên tổng thể quốc gia, theo tính toán của Bộ Tài chính, ngân sách năm 2022 sẽ hỗ trợ cho phần giảm thuế này là gần 50 nghìn tỷ đồng.

Với các hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, hàng hóa mua tại siêu thị, người tiêu dùng rất dễ nhận biết số tiền thuế mình được giảm. Tuy nhiên, khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh xuất hóa đơn bán hàng trực tiếp, người tiêu dùng cần chú ý để bảo đảm mình được giảm thuế VAT theo quy định.

Mời quý vị nghe thạc sỹ Nguyễn Đức Ngọc thông tin các điểm cần chú ý của Nghị định 15/2022 về giảm thuế VAT tại đây: